Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chuyển biến từ nhận thức

GD&TĐ - Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), đã có có trên 9,2 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề, trong đó 80% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề, 350 nghìn hộ nghèo tham gia học nghề, đã có việc làm và thoát nghèo… 

Đào tạo nghề trồng nấm cho LĐNT
Đào tạo nghề trồng nấm cho LĐNT

Mỗi năm có 1 triệu LĐNT được đào tạo nghề

Ông Hoàng Nguyễn Hưng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên cho biết, thực hiện Đề án 1956, mỗi năm tỉnh Hưng Yên đào tạo cho khoảng 4.000 - 5.000 LĐNT, trong đó có từ 2.000 - 2.500 người được đào tạo theo nguồn ngân sách Nhà nước, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 63%, hoàn thành chỉ tiêu 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 4/10 huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.

Công tác dạy nghề cho LĐNT ở Hưng Yên được chú trọng vào 2 nội dung chính, thứ nhất là đầu ra của người học, đào tạo nghề cho LĐNT trên cơ sở đơn đặt hàng của doanh nghiệp. LĐNT sau đào tạo sẽ được làm việc tại doanh nghiệp với mức lương ổn định. Thứ hai, chương trình đào tạo gắn với thực tế tại địa phương, hạn chế phần lý thuyết và tập trung đào tạo thực hành với thời lượng chiếm tới 80%. Trong đó đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp, LĐNT được đào tạo tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nơi họ sẽ vào làm việc.

Ông Trần Minh Quang - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Hàng năm, đơn vị được cấp kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT, các nghề đào tạo như: May mặc, gò, hàn, nề, mộc… Đối với nghề nông nghiệp, người dân được đào tạo để trồng cây dưa leo, mướp đắng, một số hoa màu khác và nuôi cá lồng… Đơn vị đã liên kết với Trường ĐH Nông nghiệp Huế, mời giáo viên về để dạy nghề cho LĐNT. Nhìn chung, người dân phấn khởi, chất lượng đào tạo đầu ra tăng hàng năm, hầu hết LĐNT sau đào tạo đã được các công ty, doanh nghiệp nhận vào làm việc.

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổng hợp các địa phương, trung bình mỗi năm đã có khoảng 1 triệu LĐNT được đào tạo nghề, trong đó phần lớn đã tìm được việc làm, thoát nghèo… Đây là những thay đổi tích cực trong quá trình thực hiện Đề án 1956.

Nhu cầu học nghề còn rất lớn

Đánh giá về quá trình thực hiện đề án, ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Mặc dù, việc thực hiện đề án cơ bản đã đạt yêu cầu mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân thì chưa đạt, bởi nhu cầu học nghề là rất lớn.

Người dân đã ý thức được việc học nghề không phải theo phong trào hay chỉ để lấy trợ cấp, mà mong muốn học nghề để tìm việc làm, tìm kiếm, cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đây là những chuyển biến rất cơ bản, từ những khó khăn trong giai đoạn đầu, cho đến các giai đoạn tiếp theo của quá trình thực hiện đề án.

Theo ông Tiến, Đề án 1956 được thực hiện trong 11 năm với nguồn kinh phí lên tới 28 nghìn tỷ đồng. Dạy nghề cho LĐNT, trước đây đã có Quyết định 81, và có nhiều dự án do các tổ chức phi chính phủ thực hiện đã đến với vùng dân tộc, nông thôn. Người dân đi học được nhận chế độ, đến điểm danh là được nhận tiền…

Từ việc đi học theo phong trào, Đề án 1956 yêu cầu học nghề ra phải có việc làm, thì đây là một sức ép lớn. Lúc đầu tuyển sinh rất đông, nhưng sau đó vắng dần. Có địa phương triển khai theo như hình thức khuyến nông, mô hình “đầu bờ”, tập trung 200 - 300 người vào lớp học, thậm chí có địa phương còn gắn đào tạo nghề với lớp phổ biến tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình… những cách làm này không đúng với tinh thần chỉ đạo của đề án.

Từ năm 2012, sau khi phát sinh một số bất cập trong quá trình thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, chỉ tổ chức đào tạo cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập. Đồng thời, thay đổi cách thức từ đào tạo tại trường chuyển sang đào tạo tại doanh nghiệp, cơ sở đào tạo phải đưa nghề về doanh nghiệp và người dân, đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động. Với những giải pháp này, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã dần ổn định, chất lượng được nâng cao, đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT trong những giai đoạn tiếp theo.

Tổng hợp cả nước có khoảng trên 3.000 đơn vị tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Một trong những thành công của việc thực hiện Đề án 1956 là áp dụng thành công cơ chế đặt hàng đào tạo và kiểm soát mục tiêu đầu ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ