Đào tạo lái xe ẩu, tăng tai nạn giao thông

GD&TĐ - Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua, mới đây nhất là vụ tai nạn đau lòng xảy ra vào rạng sáng 2/10, trên đường 784, đoạn qua ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), xảy ra giữa 2 ô tô chở khách đối đầu khi đi ngược chiều...

Đào tạo lái xe ẩu, tăng tai nạn giao thông

Sự việc nói trên khiến 6 người chết tại hiện trường, 10 người bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (TPHCM). Nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe ngủ gật…

Đường sá càng mở rộng, phương tiện càng hiện đại hơn thì tai nạn cũng ngày càng tăng cao và thảm khốc hơn. Đó là một nghịch lý đã và đang tồn tại trong giao thông ở nước ta.

Có nhiều cách lý giải, nhưng gạt bỏ hết các lý do khách quan, rõ ràng hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép của chúng ta có vấn đề, bởi phần nhiều các vụ tai nạn, khi truy nguyên nguồn gốc, phần lớn lỗi xuất phát từ người điều khiển phương tiện.

Vấn đề nổi cộm trước hết là thiếu tính thực tiễn trong đào tạo lái xe. Thực tế trên đường khác quá xa so với sa hình. Một bên là hàng chục chiếc xe máy vây quanh, chưa kể ô tô, xe bus, xe đạp, người đi bộ.

Trong khi chúng ta đi thi thì sao? Một sa hình yên ả, với những “mẹo” biết trước. Người học có thể chỉ mất một ngày thuê “xe chip” để đạt 90 hay 95 điểm, dù chưa đi thực tế phút nào.

Vì thế, ai may mắn học ở chỗ tốt, có xe thì lái ngay được ra đường. Số còn lại hoặc là toát mồ hôi khi ngồi vào vô-lăng hoặc rất liều.

Hệ thống đào tạo lái xe hiện nay, có thể nói nhằm thiết kế để người học lấy cho được cái bằng mà không cần thiết phải có trình độ thực sự. Điều này ngược với quy trình sát hạch ngay trên thực địa ở nhiều nước.

Để thi lấy được bằng thì người học đã rất thành thạo cả kỹ năng lái đến lý thuyết luật, không như ở ta thi xong thì phần lớn đi bổ túc tay lái rồi mới chạy được ra đường.

Quy trình đào tạo cũng đang chậm hơn thực tế. Ở nước ta chủ yếu là dạy lái bằng xe số sàn, trong khi xe số tự động phổ biến với tốc độ nhanh. Những bài học đắt giá về việc chân ga với phanh do không quen xe phần nhiều xuất phát từ đây...

Đào tạo và cấp bằng là giai đoạn đầu tiên, mang tính căn bản để một tài xế có trách nhiệm trong tương lai hay không. Vì vậy cần phải thay đổi những gì đã cũ, lạc hậu, bổ sung cái mới nhằm tiếp cận gần hơn với thực tế.

Quy trình phải gắn với thực hành. Thời gian dành cho thực hành nhiều hơn và bắt các học viên tuân thủ như một lớp học thực thụ. Không đủ số buổi tham dự và chứng nhận của thầy giáo sẽ không được thi. Mở rộng sang cả hình thức xe số tự động.

Quy trình sát hạch dành cho phần đi thực tế phải đóng vai trò cao hơn điểm số như hiện tại. Học viên phải có nhận thức hoặc thực hành một số tình huống đặc biệt. Chẳng hạn khi đạp nhầm chân phanh với ga sẽ phải làm gì. Xe nổ lốp nên làm thế nào. Gặp các tình huống khẩn cấp phải thao tác ra sao…

Khi đã có giấy phép người lái xe phải có thời gian thực tập ít nhất là một tháng với người hướng dẫn, trước khi chính thức tự mình điều khiển phương tiện tham gia giao thông hòa nhập với cộng đồng.

Tôi nhớ không nhầm thì quy trình này ở Mỹ đòi hỏi phải qua 1 năm người mới lấy bằng khi ra đường phải kèm ở ghế bên là người lái đã có kinh nghiệm, hết một năm không vi phạm gì thì mới được lấy bằng lái ở mức tiếp theo.

Nếu chẳng may vi phạm giao thông một lần, các quy trình xin cấp bằng, rồi các khoản vay tín dụng sẽ rất phức tạp, chưa kể có thể ra tòa. Như vậy, chẳng cần phải dạy về đạo đức, người ta cũng phải tuân thủ chặt chẽ luật giao thông mỗi khi ra đường, như ta ăn cơm thì đương nhiên phải nhai rồi mới nuốt vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).
Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.