(GD&TĐ) - Từ năm học: 2007-2008, dự án hợp tác Việt-Bỉ đã tập huấn cho giảng viên, giáo viên cốt cán của một số tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với “phương pháp dạy học theo dự án” (PPDHTDA), phương pháp “học theo góc”, “học theo hợp đồng” đã chính thức được đưa vào dạy học các bộ môn. Đây là các phương pháp dạy học rất mới.
Bên cạnh các PPDH mới nêu trên, các giảng viên và giáo viên còn được trang bị về kỹ thuật dạy học: kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật các mảnh ghép, làm phong phú thêm về mặt khái niệm và sự ứng dụng hiệu quả hơn các phương pháp dạy học và các kỹ thuật dạy học trong quá trình dạy học ở trường sư phạm và trường phổ thông.
Thực hiện PPDHTDA có một số ưu thế nổi trội, nó đảm bảo nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (luật giáo dục - điều 3.2, trang 8). Bên cạnh đó, PPDHTDA còn có tác dụng kích thích động cơ, gợi mở hứng thú học tập, phát huy nội lực của người học, tăng cường hợp tác, phát triển khả năng sáng tạo, xử lý tình huống thực tế trong quá trình thực hiện dự án, khả năng trình bày diễn đạt, mở rộng giao tiếp, năng lực đánh giá, tự đánh giá…PPDHTDA có 3 đặc điểm chính: định hướng cho người học, định hướng thực tiễn, định hướng sản phẩm.
Ảnh MH |
Trong thực tế triển khai, đào tạo giáo viên THCS có trình độ CĐSP bao gồm: thứ nhất là SV đạt được mục tiêu của bài học, nắm kiến thức một cách bản chất, học sâu làm thay đổi bản thân người học theo hướng phát triển toàn diện, hiệu quả học tập bền vững, kết hợp học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Thứ hai, SV có thêm một phương pháp dạy học mới, bổ sung vào cẩm nang các PPDH, tạo cơ hội để SV sư phạm được sử dụng khi thực tập sư phạm tốt nghiệp, dạy học ở trường trung học cơ sở và tự tin hơn nếu họ được tham gia vào các dự án của nhà trường hoặc các cấp của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Việc ứng dụng mục tiêu kép của PPDHTDA trong đào tạo giáo viên THCS ở trường cao đẳng sư phạm cần được thực hiện như thế nào? Ở các trường CĐSP đào tạo giáo viên THCS nên có sự ứng dụng tích cực, rộng khắp đối với các môn học, cần khơi dậy khả năng ứng dụng PPDHTDA của mỗi giảng viên, như vậy chất lượng dạy học của mỗi tiết học, bài học, chương học, môn học sẽ dần được nâng cao. Ngoài việc vận động, kêu gọi, khuyến khích các giảng viên tự giác ứng dụng PPDHTDA vào dạy học ở trường CĐSP, cần giao khoán cụ thể số lượng dự án nhất định cho mỗi giảng viên giảng dạy chuyên ngành ngay từ đầu năm học để họ lựa chọn nội dung, chuẩn bị điều kiện chín muồi cho mỗi dự án.
Nhờ thế đã thu hút sự tham gia đông đảo của các giảng viên ứng dụng PPDHTDA vào dạy học. Việc làm này nên được diễn ra thường xuyên, liên tục tạo thành phong trào ứng dụng PPDHTDA cùng song hành với một số PPDH tích cực nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn ở trường CĐSP đào tạo giáo viên trung học cơ sở. Có như vậy định hướng đổi mới, lý do đổi mới, đầu tư cho đổi mới của các cấp, sự hớp tác cho đổi mới toàn diện của ngành GD mới thực sự mang lại ý nghĩa và hiệu quả mong muốn. Sau mỗi năm học nên có tổng kết đánh giá xếp loại dự án theo những tiêu chí nhất định, chọn lọc ra một số dự án có chất lượng nổi trội, tạo điều kiện để các giảng viên báo cáo các dự án đó để đồng nghiệp được tham khảo và học tập.
Bản thân tôi đã qua những trải nghiệm đối với một số phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, trong đó có phương pháp dạy học theo dự án. Với tư cách là một thành viên của dự án hợp tác Việt-Bỉ, với tổng số 10 tiết quay băng hình tôi thấy rằng, người giảng viên phải có sự say mê, nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo không biết mệt mỏi, phải tìm hiểu thật kỹ phương pháp DHTDA, có kế hoạch làm việc với một lòng quyết tâm cao độ khám phá ứng dụng phương pháp dạy học mới, bên cạnh đó cần có sự học hỏi đồng nghiệp để làm rõ vấn đề mà mình chưa thật hiểu... Sau khi hoàn thành dự án, các thành viên thấy tự tin, trưởng thành hơn với những kinh nghiệm quý báu mà bản thân họ trải nghiệm, tích lũy, học hỏi được qua công việc đã làm trong thực tiễn.
Bằng những trải nghiệm trong quá trình ứng dụng PPDHTDA, các SV của lớp Ngữ văn - Công tác đội khóa 14 trường CĐSP Tuyên Quang đã tích cực, miệt mài thực hiện, nghiên cứu ứng dụng đầy hứng thú, kiên trì, nhiệt thành, hợp tác hoàn thành những tiết học, những cuốn băng hình.
Phạm Thị Minh
(GV Trường CĐSP Tuyên Quang)