Đào tạo giáo viên: Kinh nghiệm từ các nước

GD&TĐ - Đào tạo GV đáp ứng yêu cầu đổi mới GD là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Từ kinh nghiệm đào tạo GV của các nước trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo và vận dụng linh hoạt để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trong đào tạo giáo viên. Ảnh: IT
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trong đào tạo giáo viên. Ảnh: IT

Đào tạo GV ở các nước phương Tây

Theo PGS.TS Lê Đình Sơn – Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), ở nhiều quốc gia, đào tạo GV ban đầu chủ yếu được thực hiện trong các cơ sở GD ĐH và được tổ chức theo hai mô hình cơ bản: Mô hình liên tục hay còn gọi là mô hình song song và mô hình nối tiếp. Theo mô hình nối tiếp, sinh viên sau khi có được bằng cấp về một hoặc nhiều môn khoa học (thường là bằng cử nhân) sẽ học thêm một thời gian để đạt được trình độ bổ sung cho việc giảng dạy (có thể là hình thức cử nhân ĐH hoặc bằng thạc sĩ). Đối với mô hình song song, học viên đồng thời học một hoặc nhiều môn học và cách giảng dạy các môn học đó, dẫn đến bằng cử nhân kết hợp và chứng chỉ giảng dạy để đủ điều kiện làm GV của môn học đó.

Cũng theo PGS Lê Đình Sơn, một số quốc gia còn có cách làm khác. GV có thể được đào tạo bằng cách kết hợp giữa đào tạo của trường ĐH và làm việc trong một trường học dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia có kinh nghiệm. Thời gian này được xem là một giai đoạn đào tạo. PGS Lê Đình Sơn dẫn giải: Tại Hoa Kỳ, trong hai thập niên gần đây có một bộ phận không nhỏ GV mới được đào tạo theo cách thứ ba này. Ở đây, các ứng viên ghi danh vào các môn khoa học ở trường ĐH.

Phần bổ sung các môn khoa học nghiệp vụ và sư phạm sẽ được đào tạo ở cộng đồng, nơi họ sẽ làm việc. Điều này cho phép họ áp dụng hiệu quả lý thuyết giảng dạy vào thực tiễn. Đào tạo GV dựa vào cộng đồng, đáp ứng được những thách thức về các vấn đề giới tính, chủng tộc và đa dạng văn hóa. Hiện nay, những chương trình đào tạo như vậy trở nên phổ biến trong bối cảnh gia tăng quyền tự chủ của các trường phổ thông.

Những tranh luận về chất lượng đào tạo GV trở nên sôi động ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 2000. Nhiều ý kiến chỉ trích chất lượng đầu vào thấp, phê phán chương trình đào tạo GV theo kiểu truyền thống đã không chuẩn bị tốt nội dung kiến thức, học thuật cho GV. Các ý kiến cũng cho rằng, chương trình đào tạo GV có tính chắp vá, rời rạc, xa rời thực tế. Từ năm 2008, các nhà GD thống nhất xác định mục tiêu đào tạo GV theo yêu cầu phát triển năng lực và rèn luyện kỹ năng của học sinh phổ thông trong kỷ nguyên mới.

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, PGS Lê Đình Sơn cho biết: Để trở thành GV, người học phải trải qua 5 năm học ĐH và từ 1 - 2 năm tập sự tại cơ sở đào tạo tập sự của các bang. Ở trường ĐH: Giai đoạn đào tạo cử nhân kéo dài 3 năm, sinh viên học trong 6 học kỳ với 180 tín chỉ; giai đoạn đào tạo thạc sĩ kéo dài 2 năm, sinh viên học 4 học kỳ với 120 tín chỉ. Ở trình độ thạc sĩ ứng viên mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo GV tập sự.

Còn ở Phần Lan, có hai cách chủ yếu để trở thành GV. Thứ nhất, đa số sinh viên lấy bằng thạc sĩ ở một chuyên ngành chính và một hoặc hai ngành học phụ. Sau đó sinh viên nộp hồ sơ vào các khoa sư phạm để học thêm một năm về nghiệp vụ sư phạm, chủ yếu tập trung vào các chiến lược, phương pháp giảng dạy bộ môn. Cách thứ hai là đăng ký học thẳng chương trình đào tạo GV. Sau hai năm học kiến thức môn học, sinh viên bắt đầu học nghiệp vụ sư phạm tại các khoa sư phạm. GV được đào tạo kỹ cả về nội dung giảng dạy lẫn nghiệp vụ sư phạm; cả kiến thức và kỹ năng, về lý thuyết và thực hành. Thời gian đào tạo là 3 năm ĐH và 2 năm cao học.

Nhìn từ các nước châu Á

Qua nghiên cứu ở một số nước, TS Hồ Xuân Hồng – Trung tâm GD nghề nghiệp – GD thường xuyên (Chư Sê, Gia Lai) chia sẻ: Ở Nhật Bản, hệ thống GD tương đồng với hệ thống GD Hoa Kỳ nhưng cũng có nét riêng. Mô hình đào tạo GV theo tín chỉ về: Đại cương, chuyên ngành, sư phạm và mô hình song song với 4 năm học.

GV ở Nhật Bản đều có bằng cử nhân trở lên thông qua chương trình đào tạo gồm: GD chung, chuyên môn, sư phạm, thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp và chương trình chứng nhận GV, sinh viên tốt nghiệp phải qua kỳ kiểm tra của hội đồng cấp tỉnh để được cấp chứng chỉ GV. Việc mở khóa đào tạo sư phạm phải có sự chấp thuận của Bộ GD thông qua kiểm định đào tạo. Kiểm định ở Nhật Bản là 7 năm một lần và phải qua 3 cơ quan: Hiệp hội Đại học Nhật Bản, Viện đánh giá GD Nhật Bản, Tổ chức GD quốc gia về đánh giá và văn bằng ĐH.

Tại Hàn Quốc, hệ thống đào tạo GV cũng theo tín chỉ (khoảng 140 tín chỉ), thời lượng đào tạo GV phổ thông THCS, THPT là 4 năm (trước là 2 năm). Chương trình đào tạo GV: Các môn chính giai đoạn cơ bản phải đạt 42 điểm và phần nghiệp vụ sư phạm (phải đạt 20 điểm). Sau khi học tập đạt yêu cầu 140 tín chỉ trên, để được cấp bằng, GV phải tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận hành nghề bằng hai cách: Thi hoặc không thi cấp giấy phép. Bên cạnh đó, khoa tiểu học các trường đại học tổng hợp quốc gia Hàn Quốc và các trường cao đẳng GD là nơi đào tạo và cấp bằng cho GV tiểu học, THCS. Đáng chú ý là trong môi trường đại học GD đều có trường tiểu học để sinh viên trực tiếp dự giờ, thực tập giảng dạy.

Ở Malaysia, đào tạo GV được quan tâm đặc biệt, với điểm nhấn trong mục tiêu của phương pháp đào tạo GV là “Đào tạo GV sáng tạo để đào tạo ra học sinh sáng tạo”. Thời gian đào tạo GV từ 3 - 4 năm, trong đó có thực hành nghiệp vụ ở trường phổ thông. Hình thức đào tạo đa dạng, với nhiều cải cách nội dung đào tạo, đó là: Sinh viên học theo module thay đổi từng năm, chú trọng khả năng sư phạm, coi trọng cung cấp tri thức mới cho sinh viên. Theo đánh giá của các nhà quản lý GD, chất lượng đào tạo GV của viện, trường đại học tương đối tốt, GV có khả năng xử lý linh hoạt các tình huống trong dạy học, có năng lực chuyên môn, có khả năng thực hành tốt và học tập suốt đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ