Đào tạo “gà đẻ trứng vàng“: Đừng tưởng dễ!

GD&TĐ - Cuối cùng thì những người đam mê ngành công nghiệp giải trí cũng không thể ngồi yên ngắm nhìn thành công của thị trường âm nhạc quốc tế, họ đã chính thức “xắn tay” vào cuộc.  

Thị trường nhạc Việt đang có những biểu hiện “đuối sức” vì phần lớn các nghệ sĩ đều hoạt động theo cách “mạnh ai người nấy hát”.
Thị trường nhạc Việt đang có những biểu hiện “đuối sức” vì phần lớn các nghệ sĩ đều hoạt động theo cách “mạnh ai người nấy hát”.

Làm mới hay bắt chước?

Xuất phát điểm khá muộn màng so với sự phát triển âm nhạc thế giới, các công ty giải trí tại Việt Nam đang “rục rịch” cho ra lò những nhóm nhạc mới, mà nếu nhìn vào cách thức tuyển chọn, thì có thể thấy, mô hình và công nghệ đào tạo sẽ không khác thương hiệu Kpop của xứ Kim chi là bao. Chưa biết nên vui hay buồn với sự kiện này...

Thông tin về một số công ty giải trí tại Việt Nam sẽ hoạt động với quy mô hoành tráng không thua kém những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc tạo nên nhiều phản ứng đa chiều từ phía công chúng và các nhà chuyên môn.

Mô hình girlgroup (nhóm nhạc nữ) của thị trường Kpop thành công ngoài sức tưởng tượng đã tác động không ít đến thị trường âm nhạc châu Á. Ngay cả Nhật Bản, Trung Quốc cũng khát khao được sở hữu những nhóm nhạc nữ tài sắc vẹn toàn như Girls’ Generation; Kara; Sistar; 2NE1...

Tại Việt Nam, mô hình girlgroup đã xuất hiện từ rất lâu, có thể kể đến những cái tên như nhóm Con Gái; tam ca Áo Trắng, tam ca 3A; nhóm Mắt Ngọc; nhóm Mây Trắng... Dù đã mang lại những cống hiến và thành công nhất định nhưng cách thức hoạt động của các nhóm nhạc này khác xa với công nghệ “luyện gà” Kpop.

Sau này, một vài nỗ lực của các công ty giải trí nhằm tạo nên những nhóm nhạc nữ thần tượng đều không thành công đã làm khán giả Việt gần như mất hết hy vọng. Điều này chứng tỏ việc đầu tư và đào tạo một nhóm nhạc nữ “ra tấm ra món” không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, ở thời điểm khá “muộn màng” này, các công ty giải trí tại Việt Nam lại rục rịch chuẩn bị cho ra lò một thế hệ nhóm nhạc nữ mới, mà nếu nhìn vào cách thức tuyển chọn, thì có thể thấy, mô hình và công nghệ đào tạo sẽ không khác thương hiệu Kpop là bao.

Những nhóm nhạc mới này vẫn chỉ là những phác thảo trên giấy, chưa thực sự ra mắt và hoạt động trên thị trường Vpop, nhưng khán giả đã bắt đầu lo ngại vấn đề “sản phẩm” nội khó vượt qua cái bóng quá lớn của Kpop.

Với mục tiêu tìm kiếm những tài năng âm nhạc, đào tạo theo mô hình chuyên nghiệp, những công ty giải trí vẽ ra một tương lai “đẹp như mơ” cho các tài năng âm nhạc: Thỏa mãn đam mê ca hát và tỏa sáng.

Họ không chỉ mở ra các cuộc tuyển chọn tài năng và còn khẳng định, đây không hẳn là một cuộc thi đấu mà là một sân chơi mơ ước, nơi các bạn trẻ có thể bộc bạch những ước mơ âm nhạc của mình. Bên cạnh đó, các bạn trẻ học hỏi được nhiều hơn về cách sống tập thể, tinh thần đồng đội, khả năng chinh phục khó khăn… để có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Các công ty này cũng đưa ra mục tiêu hoạt động khá rõ nét: Tạo ra sự đổi mới, thay đổi cách nhìn của khán giả đối với một số girlgroup hiện nay. Thậm chí, có “lò luyện” còn khẳng định, họ sẽ tìm kiếm và đào tạo các tài năng âm nhạc trẻ để trở thành một girlgroup theo mô hình chuyên nghiệp của Kpop. Girlgroup này sẽ hội tụ các yếu tố thông minh, xinh đẹp, hát hay và nhảy giỏi để xây dựng hình ảnh mới, phong cách mới.

Họ cũng đưa ra những quyền lợi hấp dẫn như: Các tài năng âm nhạc sẽ không phải chịu bất kỳ một chi phí nào trong quá trình hợp tác cùng công ty; Được đào tạo chuyên nghiệp, hỗ trợ mọi nhu cầu phát triển các tố chất; Được trang bị đầy đủ các kiến thức về thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất; Được ký hợp đồng độc quyền 5 năm...

Điều kiện khắt khe

Tại Việt Nam, mô hình girlgroup đã xuất hiện từ rất lâu.
Tại Việt Nam, mô hình girlgroup đã xuất hiện từ rất lâu.

Lời hứa về một tương lai sáng lạn chắc hẳn sẽ vô cùng hấp dẫn đối với giới trẻ, nhất là khi thương hiệu Kpop cũng được mang ra để... đảm bảo mức độ thành công của dự án “trên giấy” này.

Tuy nhiên, bên cạnh một tuơng lai sáng lạn mở ra trước mắt cho mô hình nhóm nhạc nữ made in Vietnam, các công ty giải trí cũng “thẳng thắn” đưa ra những điều kiện khắt khe như: Tuổi từ 16 đến 22; Chiều cao từ 1m63 trở lên; Gương mặt ưa nhìn; Biết diễn xuất; Hoạt bát, tự tin, năng động; Có năng khiếu tốt về ca hát, và đạo và khả năng thể hiện trước đám đông; Nghiêm túc, kỷ luật; Có tinh thần làm việc tập thể...

Hiện nay, thị trường nhạc Việt đang có những biểu hiện “đuối sức” vì phần lớn các nghệ sĩ đều hoạt động theo cách “mạnh ai người nấy hát”. Vì thế, bất kỳ một mô hình mới nào nhằm mang lại hơi hướng chuyên nghiệp cho sân khấu Vpop sẽ nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả.

Không xuất phát ở thời điểm “thiên thời địa lợi”, nhưng dự án girlgroup tại Việt Nam cũng là một trong những nỗ lực đáng kể của những cái đầu hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu riêng, cách thức đào tạo của các nhóm nhạc nữ Việt nên có những sáng tạo nếu không muốn đi theo lối mòn và mang tiếng “bắt chước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ