Vài năm trở lại đây, thú chơi đào của người dân thành phố đã chuyển từ đào cành sang đào cổ, đào rừng. Còn hơn chục ngày mới đến Tết Nguyên đán, vỉa hè đường Lạc Long Quân đã bày bán rất nhiều loại đào, trong đó có những cành đào rừng, thân mốc lớn được mang về từ Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.
Theo khảo sát, giá cành rẻ nhất tại đây cũng từ tiền triệu trở lên. So với năm ngoái, giá đào rừng sẽ cao hơn hẳn.
Lý giải về việc đào rừng tăng giá, anh Hùng - một người bán hàng tại đây cho biết: "Đào này tôi nhập về từ huyện Sapa (Lào Cai). Mưa rét, tuyết rơi khiến đào bị hỏng hết. Vì vậy, giá đào rừng năm nay sẽ đắt hơn so với mọi năm. Cành rẻ nhất khoảng 1 triệu đồng. Những cành có thế đẹp, nhiều hoa và lộc, giá phải 5 triệu tôi mới bán".
Còn anh Bế Văn Tháo trú tại Hà Quảng (Cao Bằng) - chủ nhân của hơn 60 gốc đào rừng cho hay, toàn bộ những gốc đào rừng này được anh mang về từ Lóng Phiêng, Sơn La.
Nhiều gốc đào to, cổ anh Tháo mua với giá chục triệu. Giá cả phụ thuộc vào độ tuổi, thế và chủng loại. Đào càng già, thân càng lớn, nhiều nụ mập và thuộc dòng hiếm thì giá càng cao. Nguyên chi phí thu mua, vận chuyển hơn 60 gốc đào rừng này lên đến gần 60 triệu đồng.
Đào do người dân bản địa trồng lâu năm trong vườn nhà hoặc lên rừng lấy xuống, nên hầu hết là đào già, đào mốc. Có người còn vào tận rừng sâu, sang bên đất Lào chặt mang về. Những cành đào gốc xù xì, trên thân và cành bám đầy địa y, rêu mốc, búi rêu... Trên vài cành đào xuất hiện loại cây tầm gửi mọc bám vào.
Người chơi đào thích đào mốc vì dáng cổ kính rêu phong tự nhiên tạo cảm giác phúc lộc, sum vầy.
Đặc biệt, khi chọn đào rừng nên chọn gốc đào mốc, sần sùi vì đó là những cành già, khỏe, chơi được khoảng hơn 1 tháng, hoa nở 1 tuần sau mới rụng. Còn những cành đào trắng, mịn thì đó là đào non, chơi không được lâu.