(GD&TĐ) – “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý thông tin” là nội dung chính của cuộc Hội thảo mang tầm Quốc gia, do Hội nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền phối hợp tổ chức vào sáng nay (11/10), tại Hà Nội.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn; đông đảo các nhà báo lão thành; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương,… đã cùng tham dự và thảo luận sôi nổi.
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhận định, “…Sự bùng nổ CNTT đã đẩy tốc độ làm báo lên từng phút. Nhu cầu tăng doanh thu bán báo, tăng quảng cáo cũng đẩy tốc độ cạnh tranh cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí lên rất cao, và thế là một loạt sai phạm trong tác nghiệp báo chí xảy ra, trong đó có sai phạm thuộc về phạm trù đạo đức nghề nghiệp mà những người làm báo, nhất là làm báo mạng, cố ý hay không cố ý, đã và đang mắc phải…”
Theo nhà báo Hà Minh Huệ, sai sót có thể ở nhiều khâu, nhiều bước của quá trình hoạt động tác nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí nhưng tập trung nhiều nhất là ở trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin. Vì vậy, vấn đề đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin là vấn đề được xã hội quan tâm, vừa có ý nghĩa thời sự trong đời sống xã hội, vừa mang ý nghĩa lâu dài, cơ bản trong hoạt động báo chí.
Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, những nguyên nhân chính dẫn tới vi phạm đạo đức nghề báo là do nhận thức non kém của nhà báo khi tiếp cận và xử lý thông tin; do tắc trách, cẩu thả khi thu thập thông tin (kiểu lấy tin từ vỉa hè, quán nước); do trách nhiệm và đạo đức của ban biên tập; do xu hướng giật gân, câu khách. Cách rút "Tít" của một bộ phận không nhỏ các phóng viên, nhà báo hiện nay đánh trúng tâm lý tò mò của độc giả. Nhiều khi giật gân tại tiêu đề nhưng nội dung thì chẳng mấy liên quan. Như vậy, cái sai chủ yếu bắt nguồn từ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nên chăng, tuyển sinh nghề báo cũng cần xem xét lý lịch, nhân thân, đạo đức một cách nghiêm ngặt như các trường Công an, Quân đội.
Nhà báo lão thành Đỗ Phượng phát biểu tại Hội thảo |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, thông tin của báo chí luôn có tác động rất lớn tới đời sống xã hội, bởi sức lan tỏa của mỗi nguồn tin trong thời đại CNTT phát triển như hiện nay vô cùng mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhà báo luôn phải cẩn trọng trong xứ lý các thông tin. Chỉ vì một chi tiết sai sót nhỏ có thể cả giá trị chung sẽ bị phủ nhận hoàn toàn. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nhiều sai phạm, trong đó có hình thức phạt tiền và thu hồi thẻ nhà báo. Điều này cho thấy quyết tâm tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những sai phạm. Một trong những nguyên nhân mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đưa ra là quy trình tác nghiệp chưa nghiêm, nhiều khâu bị bỏ qua. Kinh nghiệm làm báo chỉ ra rằng, để tránh tối đa sai sót cần làm đúng quy trình, kể cả báo mạng cũng cần có bút tích duyệt trên bản bông.
Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Nhà báo lão thành Đỗ Phượng nhấn mạnh, một công dân luôn phải đề cao trách nhiệm cá nhân với xã hội, đối với một công dân làm báo, điều này còn quan trọng hơn rất nhiều. Nhà báo thu thu thập thông tin nhưng quan trọng phải biết xử lý và lựa chọn thông tin để gửi đến độc giả.
Hiện nay, chúng ta có đội ngũ hùng hậu với 17.000 nhà báo, công việc nên làm hiện nay là rà soát nhân sự các ban biên tập, đội ngũ phóng viên, bồi dưỡng họ để họ hiểu sâu sắc về nghề, có trách nhiệm và có tâm với nghề. Đó là chìa khóa của thành công, nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ.
Nhà báo Hà Mạnh Tường, Phó TBT Báo QĐND và Nhà báo Phương Quyên, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý PV thường trú báo Nhân Dân |
Nhà báo Phương Quyên, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý phóng viên thường trú báo Nhân Dân chia sẻ, đối với bất cứ nghề nào, đạo đức cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với nghề Báo, vì mỗi thông tin báo chí đưa ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cá nhân và tập thể được phản ánh. Chính vì vậy, người làm báo cần có cái tâm làm nghề và chịu trách nhiệm trước mỗi thông tin đưa ra.
Nhà báo Hà Mạnh Tường, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhận định, đôi khi vì chạy theo sự “hoàn hảo và ấn tượng” khiến nhà báo rơi vào thiếu sót, sai phạm. Sức ép về thời gian đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Các phóng viên báo chí nhất thiết phải được tiếp cận và tìm hiểu sâu sắc về các Quy định, Luật Báo chí, đặc biệt chú trọng khâu thẩm định thông tin trước khi xuất bản, để tránh những sai sót đáng tiếc trong quá trình làm nghề.
Theo tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 2 năm (2010, 2011), Bộ đã tiếp nhận và xử lý 600 đơn thư khiếu nại, tố cáo trên 200 vụ việc, đã xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm trong hoạt động báo chí. Năm 2010 xử lý 51 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp ở báo in, 6 trường hợp báo điện tử và 3 trường hợp ở phát thanh, truyền hình; thu thẻ nhà báo 4 trường hợp. Năm 2011, xử lý 51 trường hợp, trong đó cảnh cáo 1 trường hợp, nhắc nhở 14 trường hợp… |