(GD&TĐ) - Mới đây (ngày 20/3) tại Khu Công nghiệp Trà Đa TP Pleiku (Gia Lai) đã xảy ra chuyện lạ: Công an và xã đội xã Trà Đa trong trong lúc thi hành công vụ phát hiện ra có người không đội mũ bảo hiểm đã đuổi theo rồi xông vào công ty (nơi 3 nhân viên của công ty không đội mũ bảo hiểm chạy vào ẩn nấp), dùng dùi cui và báng súng đập vỡ kính cửa, dùng súng bắn vào phòng bảo vệ rồi lôi những người đang trốn ra đánh đấm liên hồi, đoạn còng tay lôi về trụ sở đánh tiếp, mặc cho những người này quỳ lạy van xin.
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
Hẳn không chỉ riêng các cán bộ, nhân viên và người dân xã Trà Đa được chứng kiến mà bất cứ ai khi nghe câu chuyện trên đây cũng phải bức xúc. Đáng lưu ý hơn, vụ việc lại xảy ra ở thời điểm đạo đức công vụ được các cấp hành chính, cơ quan công sở trong cả nước đặt thành vấn đề quan trọng và cấp thiết.
Để đánh giá mức độ vi phạm đạo đức, pháp luật của những người thi hành công vụ xã Trà Đa nêu trên tới đâu, trước tiên xin được bắt đầu từ khái niệm về đạo đức công vụ. Đó là đạo đức của cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực công, phản ánh những giá trị đạo đức và chuẩn mực pháp lý, được thể hiện ở lương tâm và trách nhiệm vì lợi ích chung, ý thức rõ về việc cần phải làm và mong muốn được làm vì những lợi ích đó.
Căn cứ vào khái niệm nêu ra trên đây, đã có thể thấy, công an xã Trà Đa vi phạm một cách nghiêm trọng cả về đạo đức và chuẩn mực pháp lý. Vấn đề dư luận xã hội quan tâm là hình thức xử lý kỷ luật tương xứng của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng ở TP Pleiku. Bởi vụ việc xảy ra đã rung lên hồi chuông đáng báo động về sự xuống cấp của đạo đức công vụ ở một số tỉnh, thành trong những năm gần đây.
Từ những bài học thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã rút ra: Bên cạnh cải cách thể chế được xem là cái gốc của mọi cuộc cải cách thì “cải cách” con người - cán bộ, công chức - được xem là yếu tố quyết định đối với sự thành, bại của công cuộc cải cách hành chính nói chung; trong đó, yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên” (đạo đức công vụ) của cán bộ, công chức được coi trọng hàng đầu. Đạo đức công vụ bao hàm hàm lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân mà còn cả trong các mối giao tiếp, quan hệ xã hội thông thường. “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”, câu nói ấy của Hồ Chủ tịch có lẽ không ai không thuộc. Thế nhưng, trong hàng ngũ cán bộ, công chức hiện nay lại xuất hiện khá phổ biến tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu. Khi giải quyết những yêu cầu của nhân dân trong phạm vi hành chính công thì coi mình là người ban ơn, ban phát cho dân chứ không phải vì nhân dân mà phục vụ. Tất cả những biểu hiện ấy đều xuất phát từ thái độ vô cảm đối với con người và từ vô cảm tới tội ác chỉ là khoảng cách gang tấc. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới một loạt vụ việc vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trong thời gian qua.
Thiết nghĩ, để cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm đạo đức, pháp luật thì việc làm đầu tiên là phải loại bỏ thái độ vô cảm; cán bộ, công chức phải là người biết đau trước nỗi đau của dân, biết lắng nghe và chia sẻ, không vụ lợi, vun vén cá nhân. Trong tuyển dụng cán bộ, công chức cần đặt chữ “đức” song song với chữ “tài”; Tuyên truyền đạo đức công vụ tránh tuyên truyền lý thuyết suông mà phải đặt ra những tiêu chí cụ thể, phù hợp ở từng lĩnh vực công tác, lĩnh vực chuyên môn; xử lý thích đáng với những hành vi lợi dụng quyền hạn xâm phạm lợi ích của nhân dân… Có như thế, mới tránh được tính hình thức, đối phó trong thực hiện nâng cao đạo đức công vụ.
Hồng Thúy