Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và tình yêu sử Việt

GD&TĐ - Vốn là thầy giáo dạy văn nên khi rẽ lối sang nghệ thuật, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vẫn luôn “vấn vít” với văn chương cùng những trang sử Việt. 

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Ảnh: NVCC.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Ảnh: NVCC.

Và, lúc dấn thân với điện ảnh, anh vẫn luôn ấp ủ đưa lịch sử dân tộc lên màn ảnh. “Phượng Khấu chính là kết tinh đầu tiên của tôi và cả ê-kíp, mở đầu cho chuỗi dự án về văn hoá lịch sử sau này” – đạo diễn  Huỳnh Tuấn Anh rủ rỉ chuyện trò.

Tránh diễn giải lịch sử

- Vì thấy con trẻ chăm chú xem phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc nên anh quyết tâm bắt tay vào dự án phim lịch sử. Phải chăng “Phượng Khấu” là dự án mở đầu cho quyết tâm này?

Thực ra, trước “Phượng Khấu”, tôi nhiều lần hỗ trợ, cố vấn cho các bạn trẻ có niềm đam mê với lịch sử trong những chương trình talkshow, phim ngắn, diễn họa... Nhưng bản thân là người làm điện ảnh, tôi luôn ấp ủ đưa lịch sử của dân tộc lên màn ảnh, bởi đó là phương thức tiếp cận tốt nhất đến với khán giả.

Và “Phượng Khấu”, chính là kết tinh đầu tiên của tôi và cả ê-kíp, mở đầu cho chuỗi dự án về văn hoá lịch sử sau này.

- Câu chuyện lịch sử anh muốn kể trong “Phượng Khấu” là gì? Vì sao lại chọn lát cắt lịch sử đó để đưa lên màn ảnh?

“Phượng Khấu” nghĩa là nút áo hình chim phượng. Theo truyền thuyết, trong dân gian có tục bói nút áo. Trong phim, hoàng thái hậu Nhân Tuyên đưa 2 nút cho hai bà vợ của vua Thiệu Trị bắt thăm. Ai bắt được cái nút khắc hình chim phượng sẽ sinh con trai, ai bắt được cái nút khắc hình bông hoa sẽ sinh con gái.

Đó cũng là câu chuyện gắn với sự ra đời của vua Tự Đức và chúa Nhàn Yên... “Phượng Khấu” là câu chuyện về những bà hoàng, bà phi, công chúa trong hậu cung triều Nguyễn, mà đại diện chính là Từ Dũ hoàng thái hậu, người đã sống qua 10 đời vua.

Giáo sư Lê Văn Lan từng phát biểu, chúng ta đang chú trọng vào những vị vua, vị tướng, trận chiến hào hùng, nhưng lại thiếu hẳn câu chuyện về những người đàn bà gắn liền với vận mệnh đất nước, cũng như thiếu hẳn những giá trị về văn hóa, về cách ăn nếp ở của người xưa.

Đó là lý do vì sao tôi muốn đưa câu chuyện về một người phụ nữ mà cuộc đời của bà trải dài suốt một triều đại, thông qua đó, nói lên những vấn đề khác của văn hoá, lịch sử, giúp khán giả có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn.

- Anh chọn lối kể nào cho câu chuyện lịch sử của “Phượng Khấu”?

“Phượng Khấu” là 1 series nhiều tập, nhiều season, nhưng tôi quyết định áp dụng cách kể chuyện của phim điện ảnh vào tác phẩm lần này. Đồng thời, tôi cũng tránh việc “diễn giải kiến thức lịch sử” đến với khán giả. “Phượng Khấu” sẽ là một góc nhìn, kiến giải riêng của chúng tôi về những nhân vật tiền nhân.

Cầu toàn để truyền lửa

- Qua những tạo hình của các nhân vật trong phim “Phượng Khấu” có thể thấy anh khá cầu toàn về trang phục. Điều anh muốn hướng tới là gì?

Phục trang, lễ nghi, bối cảnh và cả diễn viên là những thứ hữu hình, tác động mạnh nhất đến cảm xúc của tác giả, khiến họ hình dung được không gian chân thực nhất của tiền nhân. Đó luôn là những điều tôi chú trọng nhất.

Tất cả mọi thứ đều phải được liên kết một cách chặt chẽ với nhau để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.

Không yêu cầu những yếu tố đó phải xác thực 100% với lịch sử, bởi đó là điều bất khả thi, nhưng tôi bắt buộc những sản phẩm làm ra phải thật hoàn hảo với tình hình thực tế.

Tôi luôn nói với ê-kíp của mình, khi ra set quay, nếu trang phục không trùng khớp với tạo hình đã chốt, bối cảnh không khớp với bản vẽ, chỉ cần thiếu một cây trâm, thiếu một bình hoa, một tách trà, tôi đều sẽ không quay. Đó là cách tôi điều khiển được tác phẩm của mình, để luôn chỉn chu nhất.

- “Phượng Khấu” sẽ truyền lửa cho khán giả thêm hiểu, thêm yêu lịch sử nước nhà một cách ngọt ngào, chân thực chứ không phải là những tuyên truyền giáo điều, khô khan?

Đó là điều tôi cho rằng chính là sứ mạng của “Phượng Khấu”. Tôi không mong muốn khán giả của mình học lịch sử thông qua “Phượng Khấu”, bởi nó vẫn là một tác phẩm sáng tạo điện ảnh, không phải một quyển chính sử. Nhưng tôi mong các khán giả sẽ có thêm nhu cầu tìm hiểu thêm về lịch sử sau khi xem “Phượng Khấu”.

- Bao năm qua, nhiều phim truyền hình Việt về đề tài lịch sử hoặc thất bại hoặc ít gây được sự chú ý của công chúng. Lý giải của anh về thực tế này? Điều đó có khiến anh “e ngại” cho số phận của “Phượng Khấu” trong tương lai không?

Thực tế đã cho thấy, dù “Phượng Khấu” chưa công chiếu nhưng đã nhận được tình cảm yêu thương không nhỏ của khán giả. Đó là điều tôi luôn thấy biết ơn, và đó là động lực để tiếp tục hoàn thành dự án của mình.

Nếu tôi e ngại hay sợ hãi, và những người khác cũng thế, vậy đến bao giờ Việt Nam chúng ta mới có được một dự án lịch sử quy mô, có đẳng cấp?

- Vốn học sư phạm và cũng đã từng là một thầy giáo dạy văn nhưng sau rẽ ngang sang sân khấu, điện ảnh. Vậy khi làm phim, đặc biệt là phim lịch sử, “người thầy” trong anh có “trỗi dậy” và đồng hành cùng sự sáng tạo của “nghệ sĩ” không?

Những thứ có được từ môi trường sư phạm đã giúp tôi rất nhiều, góp phần định hình phong cách riêng của tôi trong lĩnh vực điện ảnh. Tôi luôn yêu cầu ê-kíp và cả những diễn viên trẻ phải thường xuyên đọc sách, học cách cảm thụ và phân tích tâm lý nhân vật của mình. Khi bạn hiểu mới có thể truyền tải thông điệp mà nhân vật mang đến cho khán giả.

- Xin cảm ơn anh!

Bộ phim “Phượng Khấu” chính thức bấm máy vào ngày 20/12 và đóng máy vào trước Tết Âm lịch. Nhưng hiện tại, chúng tôi đã tiến hành quay các phân đoạn ngoại cảnh tại kinh thành Huế và các khu đền đài, lăng tẩm... để sử dụng trực tiếp trong các phân đoạn chuyển cảnh. Như trên fanpage đã công bố, 6 tập của bộ phim (mỗi tập có thời lượng 60 phút) sẽ được công chiếu độc quyền trên ứng dụng Pop vào tháng 3/2020.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ