(GD&TĐ) - Là một trong số đạo diễn trẻ nổi bật của sân khấu phía Bắc nửa thập kỉ qua, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai khi gây tiếng vang lớn trong các Liên hoan Tài năng đạo diễn trẻ, trong các Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Đam mê nghệ thuật cải lương đến cháy bỏng, chị luôn trăn trở làm thế nào để để hấp dẫn khán giả đặc biệt là khán giả trẻ yêu mến môn nghệ thuật này.
Dấn thân
Bao nhiêu năm nay, những người yêu nghệ thuật cải lương đã ghi nhớ khuôn mặt trái xoan, ánh mắt đen láy lúc nào cũng như cười, khuôn miệng tươi, chất giọng trong trẻo của chị.
Quỳnh Mai say mê cải lương từ bé. Thời tuổi thơ, Quỳnh Mai tha hồ được thả hồn mình vào những trang sách và đắm mình trong thế giới đầy mộng mơ với những vở cải lương kinh điển như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Phạm Công Cúc Hoa… từ đài
catset nhà hàng xóm. Từ bao giờ cải lương đã thấm đẫm trong tâm hồn chị. Niềm say mê ấy đã dẫn dắt cuộc đời chị đi từng chặng đường dài không ít buồn vui, không ít nhọc nhằn nhưng chưa khi nào nguội lạnh niềm khát khao được hát, được diễn, được cống hiến.
Trở thành gương mặt nổi bật của Nhà hát cải lương Trung ương từ năm thứ ba đang học Trường Sân khấu - điện ảnh Hà Nội với vai chính trong vở nhạc kịch “Cô gái Phù Tang”, Quỳnh Mai đã trở thành gương mặt quen thuộc của khán giả mê cải lương. Với giọng ca mê đắm và nét diễn tinh tế, chị được vào vai chính trong hàng loạt vở diễn: Nhâm (Điều không thể mất), Phượng (Lôi Vũ), Quỳnh (Nỗi đau tình mẹ), Diễm (Thời con gái đã xa)…
Với chị, mỗi lần diễn giống như một lần chị trả bài trước lớp. Và mỗi vị khán giả là một thầy giáo. Nhưng nghiệp diễn viên vẫn chưa thoả mãn, chị muốn thử thách ở vai trò người cầm trò một vở diễn. Vẫn biết, làm đạo diễn là một nghề quá vất vả với nữ giới, hy sinh nhiều mà thành công không dễ gì đạt được, thế nhưng, Hoàng Quỳnh Mai vẫn dấn thân.
“Huấn luyện viên” sân khấu
Trong vai trò mới là đạo diễn, chị đã thu hút sự chú ý của công chúng khắp trong Nam ngoài Bắc với “Cung phi Điểm Bích”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”… Lý giải cho những nỗ lực đã đem đến cho chị thành công chị chia sẻ: “Có 4 điều tạo nên thành công của người đạo diễn trẻ ở môn nghệ thuật này: học nhiều, đọc nhiều, làm nhiều, “lắng nghe nhiều” (câu nói của NSND Đình Quang)… Người đạo diễn trẻ luôn phải khẳng định mình và tạo dựng niềm tin với các nhà quản lý và bạn bè đồng nghiệp mới có cơ hội làm nghề.
Đạo diễn phải thực hiện rất nhiều vai diễn khác nhau trong một vở diễn. Chưa kể phải xử lý rất nhiều bộ phận khác cùng một lúc như chỉ đạo họa sỹ, âm thanh, ánh sáng...v.v.
Tôi đang ở trên cương vị của một người huấn luyện viên trên sân cỏ. Điều này quả là vô cùng khó khăn và khắc nghiệt đối với một người phụ nữ. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm đạo diễn tôi có điều kiện mở rộng được tầm nhìn, thỏa mãn sự khát khao trong sáng tạo, thực hiện được nhiều ý tưởng, tha hồ bay bổng với sự tưởng tượng của mình”.
Là người đam mê nghệ thuật cải lương đến cháy bỏng, chị đã từng thức trắng 7, 8 đêm, lăn lê cùng tác phẩm để rồi chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi là được đem đến cho khán giả một tác phẩm có chất lượng. Vì thế các vở diễn của chị luôn thu hút được rất đông khán giả.
Để có những thành công như “Cung phi Điểm bích”, “Bến nước Ngũ Bồ”… ít ai biết chị đã phải trải qua những vất vả, khó khăn như thế nào. Chị phải hy sinh cả sở thích mặc váy của mình, nhiều lúc đi chân đất, mặc quần đùi “phi” lên sân khấu thị phạm cho diễn viên.
Có lúc lại la hét như một người đàn ông, tóc tai dựng đứng. Nhiều lúc rời sàn tập trở về mệt đến nỗi chị nằm vật ra không ăn, không uống được. Hậu quả là sút đến 4, 5 kg, mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn. Còn khi đảm nhiệm vở mới chị lại rơi vào cảnh bị ám ảnh, nhiều khi cả đêm không ngủ để viết và tìm ý tưởng mới cho tác phẩm.
Ngày nay giới trẻ dường như đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Điều quan trọng là người đạo diễn phải làm điều gì để hấp dẫn khán giả đặc biệt là khán giả trẻ yêu mến môn nghệ thuật này.
Vì thế, bây giờ, Hoàng Quỳnh Mai mong lắm, bằng những việc làm của mình, sự tận tụy, tận tâm của mình có thể truyền cảm hứng say nghề đến cho lớp trẻ.
Lê Đăng