Đảo cát khổng lồ ở biển Cửa Đại

GD&TĐ - Đầu năm 2019, một đảo cát hình thành với diện tích khoảng 15ha, cách biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) gần 2 hải lý khiến dư luận xôn xao bởi trước đó, khoảng năm 2017 nó mới chỉ là một vết cát dài khoảng 100m. 

Tổng cục PCTT đã tiến hành cắm mốc phục vụ cho việc theo dõi diễn biến tình hình của đảo cát
Tổng cục PCTT đã tiến hành cắm mốc phục vụ cho việc theo dõi diễn biến tình hình của đảo cát

Trong khi diện tích đảo cát được bồi lấp ngày càng lớn thì bờ biển Cửa Đại cách đó không xa lại sạt lở ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân của sự hình thành đảo cát cũng như phương án xử lý vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ dù đã có nhiều cuộc hội thảo và kiểm tra thực địa của các cơ quan có liên quan.

“Bãi biển hóa nương dâu”

Theo báo cáo của UBND TP Hội An (Quảng Nam), đảo cát vừa hình hành có diện tích khoảng 15ha, với chiều dài hơn 1.500m, chiều rộng khoảng 200m và có dung tích bồi lấp khoảng 5,6 triệu m3. Ngoài đảo cát, thời gian qua cát cũng bồi lấp gần như toàn bộ luồng lạch phía bắc bờ biển Cửa Đại, gây khó khăn cho việc ra vào cảng của các loại thuyền. Theo những nghiên cứu ban đầu, đảo cát đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên chỉ là những bãi cạn, không nhô lên khỏi mặt nước.

Đến khoảng tháng 2/2018, đảo cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần, đặc biệt tốc độ bồi nhanh từ tháng 2/2019 đến nay. Diễn biến từ năm 2018 đến nay cho thấy kích thước và chu vi của đảo cát này không ngừng tăng lên từ sau đợt lũ cuối năm 2017. Thậm chí, từ sau Tết Nguyên đán 2019, người dân đã sang bãi cát để tổ chức cắm trại, vui chơi.

Theo PGS. TS Mai Văn Công - Giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội) thì đây là hiện tượng bình thường của tự nhiên. “Cách đây 40 năm, Cửa Đại đã một lần xuất hiện tình trạng bồi lấp cửa biển và nay hiện tượng này được lặp lại. Tuy nhiên, diễn biến của lần bồi lấp lần này diễn ra như thế nào cần phải quan trắc, nghiên cứu để có biện pháp xử lý thích hợp”. Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là hiện tượng khá phức tạp về mặt tự nhiên, có liên quan đến tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Theo kết quả quan trắc của các nhà khoa học thì trong 5 năm vừa qua, mỗi năm biển Cửa Đại mất khoảng 35.000m3 cát.

Liên quan đến “đảo cát nổi” này, ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp. Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) do Tổng Cục trưởng Trần Quang Hoài dẫn đầu đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng thực tế để tìm phương án xử lý thích hợp. Theo ông Trần Quang Hoài thì “đảo cát đang khiến dư luận xôn xao này chẳng khác nào một đê ngầm chắn sóng khổng lồ, giảm rất lớn tác động của sóng biển vào bờ.

Đảo cát này đang chịu sự tương tác của rất nhiều yếu tố từ hạ nguồn sông Thu Bồn đổ ra cửa biển và ngược lại từ biển trở vào”. Ông Hoài cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân hình thành đảo cát khổng lồ này. “Trước mắt, phải theo dõi diễn biến của khu vực. Đoàn công tác đã tiến hành cắm mốc trong phạm vi 1 cây số để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến tình hình của khu vực bãi bồi, đo vẽ bình đồ của đảo cát nhằm xác định diễn biến để đề xuất giải pháp xử lý” - ông Hoài nói.

Đảo cát nổi hình thành ngoài biển Cửa Đại, TP Hội An
  • Đảo cát nổi hình thành ngoài biển Cửa Đại, TP Hội An

Ứng xử thể nào với đảo cát?

Về phương án xử lý đảo cát mới nổi, ông Lê Trí Thanh đưa ra hai đề xuất: “Nếu chấp nhận sự tồn tại của đảo cát thì phải đánh giá được đảo sẽ như thế nào trong tương lai, ảnh hưởng tích cực, tiêu cực thế nào đến môi trường, luồng tàu và quá trình sạt lở bờ biển Cửa Đại; từ đó có giải pháp xử lý để bãi bồi này phát triển bền vững. Nếu sử dụng đảo cát để đưa vào bờ biển, dùng chính cát này chống sạt lở cho bờ biển Hội An thì lấy cát đi bao nhiêu là vừa, lấy hết hay lấy từng phần và sau khi lấy thì khu vực xung quanh sẽ ảnh hưởng thế nào? Đây là những câu hỏi mà Quảng Nam rất mong các nhà khoa học sớm vào cuộc để giúp tỉnh giải quyết”.

PGS.TS Mai Văn Công cho rằng: Xét về tự nhiên, nơi nào bị lở thì một thời gian sau tự nhiên sẽ bồi hoàn trở lại nhưng quá trình này phải mất một thời gian dài. Nếu căn cứ vào quá trình vận chuyển bùn cát tự nhiên thì toàn bộ khu vực bờ biển phía Bắc của biển Cửa Đại sạt lở rất nặng. Để rút ngắn, chúng ta phải tính đến phương pháp nào cho phù hợp đưa lượng cát đã hình thành nên đảo cát trở về vị trí cũ. Có thể sử dụng một phần lượng cát tại bãi bồi này để tôn tạo lại khu vực biển Cửa Đại. Đây là phương án khả thi, bởi công nghệ hiện nay đưa cát từ biển vào bờ vẫn là nạo hút, bơm theo đường ống đưa vào khu vực bãi dự kiến muốn tôn tạo. Hoặc cũng có thể xử lý theo phương án khác là hút cát lên sà lan, sau đó vận chuyển vào khu vực bãi sẽ tôn tạo.

Theo ông Trần Quang Hoài thì để có thể đưa ra phương án xử lý cần phải xác định lại đảo cát mới này tương tác với bờ như thế nào. “Nếu kết hợp với việc xem đây là đê ngầm chắn sóng, làm giảm tác động sóng ở trong bờ thì chúng ra có hành động ứng xử khác. Còn nếu nó cản trở việc đưa cát từ Cửa Đại ra thì lại có biện pháp phù hợp” - ông Hoài nêu quan điểm. Trước mắt, Tổng cục PCTT sẽ có văn bản phối hợp với Bộ GTVT trong việc xử lý luồng lạch đi lại. Ngoài các tài liệu quan trắc liên quan đến đảo cát mà tỉnh Quảng Nam cung cấp sẽ thực hiện mua các tài liệu theo dõi qua vệ tinh về đảo cát này để có sự đánh giá chính xác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ