Dành yêu thương để trẻ khuyết tật hòa nhập

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, giáo dục cho trẻ khuyết tật khắp thế giới có xu hướng chủ yếu tiến tới giáo dục hòa nhập - để cho trẻ khuyết tật học tập trong cùng một lớp học với các trẻ phát triển bình thường.

Dành yêu thương để trẻ khuyết tật hòa nhập

Đây là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển giáo dục cho các nhu cầu đặc biệt, khi sự tách biệt và các trường chuyên biệt đã trở thành phương pháp chính trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật còn gặp nhiều rào cản.

Nhiều trở ngại khi trẻ khuyết tật học hòa nhập

Giáo dục hòa nhập cho phép mọi trẻ em, trẻ khuyết tật cũng như trẻ bình thường được học tập trong cùng một môi trường, nơi các điều kiện được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của trẻ em khuyết tật. Thế nhưng, việc trẻ khuyết tật học hòa nhập vẫn gặp nhiều rào cản.

Thầy giáo Phùng Hải Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, trẻ khuyết tật khi học hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Khó khăn đầu tiên xuất phát từ những hạn chế từ ban giám hiệu trong hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập như không có chuyên môn riêng, chưa được đào tạo, tập huấn về cách giáo dục trẻ khuyết tật; Sự hiểu biết về tâm lí, thói quen, sở thích của trẻ khuyết tật còn hạn chế. Chỉ đạo giáo viên còn lúng túng về phương pháp dạy, hình thức tổ chức dạy, cách đánh giá trẻ khuyết tật.

Khó khăn thứ hai là những hạn chế của phụ huynh trong hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập như: Việc chăm sóc, quan tâm tới các con không đúng cách, mới chỉ tập trung các nhu cầu ăn mặc, ở…; Một số phụ huynh thể hiện tiêu cực như buông xuôi về việc giáo dục; dọa nạt, chửi bới, dùng roi vọt với các con. Mặt bằng trình độ phụ huynh ở trường hạn chế nên rất ngại tiếp xúc với giáo viên để cùng trao đổi với GV về con.

Cần phát triển mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Để cải thiện giáo dục cho trẻ khuyết tật, theo thầy Phong, cần nâng cao nhận thức về quyền của trẻ khuyết tật và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; Xây dựng năng lực cho giáo viên trường học, hiệu trưởng và cán bộ giáo dục, đảm bảo môi trường giáo dục tốt hơn cho trẻ khuyết tật; Phát triển mô hình giáo dục hòa nhập hỗ trợ cho trẻ khuyết tật.

Báo cáo về thực trạng giáo dục hòa nhập và nhận thức của các bên liên quan về quyền của trẻ khuyết tật và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã được hoàn thành sau khi khảo sát 5 trường tiểu học của huyện Ba Vì và 4 trường tiểu học của thành phố Huế có thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cho thấy, với mỗi học sinh khuyết tật, không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nên giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh, từng năm học…

Các cuộc họp hằng tháng cho cha mẹ của các trẻ khuyết tật nhằm chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy và hỗ trợ trẻ khuyết tật trong học tập đã được tổ chức. Thực tế, các cuộc họp đã giúp phụ huynh có cách nhìn tích cực, toàn diện hơn và nâng cao nhận thức cho phụ huynh về trẻ khuyết tật. Các phụ huynh mong đợi có nhiều hoạt động hơn, mở rộng đối tượng trẻ từ cấp 1 lên cấp 2, 3… cũng như mở rộng khu vực tới nhiều địa bàn hơn nữa.

Thầy giáo Phùng Hải Phong kiến nghị, cần tổ chức tập huấn cho phụ huynh về cách nhận biết các dạng khuyết tật, cách tương tác, chăm sóc... cho trẻ khuyết tật.

Bên cạnh đó, cần thay đổi phương pháp hỗ trợ học sinh khuyết tật như nhà trường tham mưu với UBND xã để xác định dạng tật cho trẻ; Tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của từng trẻ để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (GDCN).

Thực tế tại Trường Tiểu học Vật Lại, nhà trường đã lập được kế hoạch GDCN cho 9 học sinh khuyết tật, Ban giám hiệu kiểm tra duyệt kế hoạch GDCN của từng học sinh. Hàng quý nhà trường tổ chức họp giữa GV và phụ huynh HS để cùng nắm bắt kết quả giáo dục, thống nhất lại mục tiêu, thống nhất phương pháp giáo dục.

Chính vì thế, trong học tập học sinh đã tự tin hơn, đã biết cầm phấn, cầm bút chì để viết, nhớ và viết được, đếm, đọc, viết được các số từ 1 - 9. Nhận biết được hình vuông, hình tròn... nhận biết được các dấu +, -, = trong toán học. Có kĩ năng sống để hòa nhập cộng đồng. Biết tự phục vụ bản thân như: Ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Có khả năng sống tự lập; Có thêm nhiều bạn trong lớp hỗ trợ và chơi chung với trẻ khuyết tật.

Đánh giá kết quả sau khi được tập huấn về kỹ năng tương tác với trẻ khuyết tật, giáo viên các Trường Tiểu học tại huyện Ba Vì và giáo viên của Trường Tiểu học Thuận Thành, Thuận Hòa ở thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật và bước đầu đã có những chuyển biến như giáo viên đã lập được đề thi học kỳ I năm học 2017 - 2018 dành riêng cho trẻ khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.