“Đánh thức” xe tự hành sao Hỏa

GD&TĐ - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA chuẩn bị “đánh thức” xe tự hành sao Hỏa Opportunity.  

Xe tự hành Opportunity
Xe tự hành Opportunity

Sau hơn 14 năm miệt mài hoạt động trên sao Hỏa, xe tự hành đã rơi vào trạng thái “ngủ đông” (tạm dừng hoạt động) trong quá trình một cơn bão cát lớn hoành hành. Tín hiệu cuối cùng từ xe tự hành được ghi nhận trên Trái đất là vào ngày 10/6; sau đó lớp không khí phía trên xe tự hành trở nên mờ đục, khiến cho các tấm pin Mặt trời không đủ khả năng cung cấp năng lượng cho xe nữa. Sau cơn bão, NASA hi vọng các tấm pin Mặt trời “tự làm sạch” để có thể tiếp tục hoạt động và cung cấp điện cho xe tự hành.

Xe tự hành Opportunity không có nhiều thời gian. NASA cho biết sẽ thử “đánh thức” nó trong 45 ngày. Trong thời gian này, thông qua hệ thống ăng ten mặt đất Deep Space Network, NASA sẽ gửi tín hiệu đến Opportunity và lắng nghe phản hồi. Nếu trong 1,5 tháng, xe tự hành không trả lời, Trung tâm Kiểm soát các chuyến bay của NASA sẽ chuyển sang chế độ “chờ đợi phản hồi”. Việc này giúp giảm chi phí và đội ngũ nhân viên trực. Giai đoạn này kéo dài ít nhất đến tháng 1/2019, khi đó gió sẽ thổi mạnh hơn ở nơi trên xe tự hành đang “ngủ đông”. Nếu như các đợt gió mạnh này cũng không thể làm sạch bụi trên các tấm pin Mặt trời, thì số phận của xe tự hành Opportunity có thể coi là kết thúc.

Tương tự như xe tự hành Spirit được gửi lên sao Hỏa trong khuôn khổ sứ mệnh Mars Exploration Rover, hoạt động của xe tự hành Opportunity đã nhiều lần vượt quá kế hoạch. Cả hai xe tự hành đều được lập kế hoạch hoạt động trong 90 ngày sao Hỏa, tương đương 21 ngày Trái đất. Tuy nhiên, cả hai đều tỏ ra “sung sức”. Xe tự hành Spirit kết thúc công việc vào năm 2010. Xe tự hành Opportunity còn tiếp tục hoạt động đến tháng Sáu năm nay. Các nhà khoa học và những người yêu thiên văn hi vọng, nó vẫn có thể “bừng tỉnh” và hoạt động tiếp.

NASA thừa nhận, cho đến nay, không ai có thể dự đoán được chính xác tình trạng xe tự hành Opportunity. Tuy nhiên, cũng có các lý do để lạc quan. Những nghiên cứu trước đó đối với tình trạng ắc quy cho thấy chúng có thể tồn tại qua các cơn bão cát. Hơn nữa, nhiệt độ dưới bầu trời u ám, nơi xe tự hành “ngủ đông”, cũng không đến nỗi quá thấp.

Trong mỗi tuần, NASA gửi tín hiệu đến xe tự hành, thực hiện quy trình “đánh thức” nó trong điều kiện khí quyển sao Hỏa tương đối trong lành, ít bụi. Nếu như tiếp nhận được tín hiệu phản hồi, thì việc tiến hành tiếp xúc đầy đủ vẫn chưa thể thực hiện ngay. Lý do là các thủ tục an toàn khiến cho việc “đánh thức” xe tự hành kéo dài khá lâu.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ