Danh họa Bùi Xuân Phái: Người họa sĩ tài năng của thế kỷ XX

Danh họa Bùi Xuân Phái: Người họa sĩ tài năng của thế kỷ XX

(GD&TĐ) - Sinh thời, cố Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã gọi ông như vậy. Những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái đều mang phong cách riêng và để lại những dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Nghệ sĩ tài hoa với tình yêu Hà Nội

Danh họa Bùi Xuân Phái sinh ngày 1.9.1920 tại Hà Nội (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, tỉnh Hà Đông cũ) - làng quê nức tiếng cả nước với nghề vẽ tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Chính làng Kim Hoàng đã nuôi dưỡng tâm hồn, ấn tượng ngay từ tuổi thơ của danh họa Bùi Xuân Phái. Với những gam màu rực rỡ, những hình vẽ kỳ thú gắn với làng quê Việt Nam đã luôn theo suốt ông trong cuộc đời một nghệ sĩ, tạo nên niềm đam mê hội hoạ ngay từ ngày còn thơ bé. Năm 1941, ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng khóa Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, Huỳnh Văn Gấm v.v… và là học trò của Giáo sư Iguimberty, họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân… Ông bắt đầu vẽ phố và tham dự triển lãm Tokyo khi còn là học sinh Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Danh họa Bùi Xuân Phái
Danh họa Bùi Xuân Phái

Sau Cách mạng Tháng Tám, danh họa Bùi Xuân Phái tham gia các hoạt động mỹ thuật phục vụ cách mạng và năm 1946, tại Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám, với màu sắc lạ, hòa hợp chất liệu sơn dầu quánh bện lên vải trong những bức tranh của ông, Bùi Xuân Phái đã được trao giải thưởng Văn hóa cứu quốc. Trong một lần may mắn được gặp Bác Hồ, ông đã vẽ chân dung vị Chủ tịch nước và được Người tặng chữ ký. Kháng chiến bùng nổ, danh họa Bùi Xuân Phái lên chiến khu, làm họa sĩ cho Báo Sống vui và nhà Thông tin, do nhà thơ Nông Quốc Chấn phụ trách. Ông còn tham gia dạy vẽ ở Hà Nam, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục có tranh trong các triển lãm. Năm 1957, khi thôi dạy ở Trường Mỹ thuật, ông bắt đầu vẽ về phố cổ Hà Nội và vẽ tranh Hà Nội chiến đấu.

Chính giai đoạn này cũng làm nên một dấu ấn trong sự nghiệp hội họa của Bùi Xuân Phái: khi ông nhận làm họa sĩ cho Đoàn Chèo Hà Nội, đề tài sân khấu chèo đã được ông nghiền ngẫm, sáng tạo và trở thành một dòng tranh đặc sắc của ông với hàng loạt ký họa về hoạt động của các diễn viên chèo sau cánh gà. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ nhiều thể loại, nhiều chân dung, phong cảnh, sinh hoạt khác nhau, phản ánh khá sinh động và chân thật từng giai đoạn của dân tộc. Nhưng đề tài phố cổ Hà Nội là đề tài ông đã gắn bó hơn 40 năm, bởi đó là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm vui buồn, thăng trầm cuộc đời ông.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Trong tranh của Bùi Xuân Phái, phố phường Hà Nội không đơn điệu, mà đa dạng về hình sắc, thay đổi, khác lạ theo thời gian và tâm tình người sáng tác. Hậu thế tụng xung ông không chỉ là “ông vua phố cổ”, Bùi Xuân Phái còn được coi là họa sĩ vẽ chân dung bậc thầy, là người làm nản lòng bất kỳ họa sĩ nào muốn cầm cọ vẽ về chèo. Danh họa Bùi Xuân Phái qua đời ngày 24.6.1988.

Những đóng góp của danh họa Bùi Xuân Phái thật lớn lao. Các tác phẩm của ông không chỉ mang lại cho cá nhân ông nhiều giải thưởng từ các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng đồ họa Lepzich và triển lãm mỹ thuật Thủ đô v.v..., mà còn đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà những thành tựu vô giá khi ông là một trong những người khai sáng cho mỹ thuật Thủ đô.

Tài năng, nhân cách lớn của Bùi Xuân Phái còn góp phần đào tạo nhiều danh họa cho Việt Nam. Ghi nhận công lao của ông, năm 1996, Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 cho danh họa Bùi Xuân Phái. Trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, HĐNDTP đã quyết định đặt tên phố Bùi Xuân Phái tại khu đô thị mới Mỹ Đình, để vinh danh ông - một nghệ sĩ tài hoa với tình yêu Hà Nội, đã gắn bó cả sự nghiệp sáng tạo hội họa của mình với Thủ đô yêu quý. Ngoài ra còn một giải thưởng VHNT mang tên ông.

“Thế giới Phái”

Ngôi nhà trong ngõ số nhà 87 phố Thuốc Bắc, Hà Nội, nơi đã chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp của người họa sĩ lỗi lạc bậc thầy này, từ lúc ông sinh ra, lớn lên và đến khi ông trút hơi thở cuối cùng để trở về với cát bụi. Ngõ nhõ, phố nhỏ, nhưng bước vào trong “Thế giới Phái”, không gian bỗng “rộng” ra và sinh động lạ thường bởi sắc màu khi rực rỡ, khi trầm ấm trong tranh Phái. Tranh phố Phái - những bức tranh khổ nhỏ được treo dọc tường lối đi lên cầu thang.

Căn phòng nơi “Thế giới Phái” ngự trị cũng bừng sáng bởi sắc màu ấm áp của vô số tranh được treo với mật độ dày đặc trên bốn bức tường. Cảm giác thật tuyệt vời khi được ngắm tranh của người họa sĩ nổi tiếng, không phải ở những galery tranh chép, mà ở chính nơi ông từng sống, từng miệt mài cầm cọ, căng toan, pha màu…“Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người… Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian… Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp…

Trong hơn 40 năm làm nghệ thuật, danh họa Bùi Xuân Phái đã gắn bó với Thủ đô, những phố cổ Hà Nội với tình cảm thiết tha, sâu đậm. Ông yêu nghệ thuật truyền thống sân khấu chèo và đã có những tác phẩm đẹp về sân khấu chèo. Những tranh của ông sáng tác về phổ cổ Hà Nội là những tác phẩm mang đậm nét Hà Nội cổ xưa, có giá trị nghệ thuật cao, có nhiều sáng tạo mới và có phong cách độc đáo của tác phẩm.

Cho đến nay, công chúng yêu tranh nói đến phố cổ còn gọi là phố Phái, xứng với tài năng và lao động nghệ thuật của họa sĩ. Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái - đồng thời là người “gác cửa thế giới Phái” tự hào viết những dòng cảm xúc về người cha tài hoa của mình: “Tôi đã chứng kiến giây phút cuối cùng của ông và không thể quên được cặp mắt ấy, cái nhìn choáng váng nghi hoặc ấy. Ông tỏ ra bình thản và dường như không luyến tiếc trần thế, nhưng trần thế luyến tiếc ông, người họa sĩ tài hoa đã để lại dấu ấn đậm sâu của mình qua hàng ngàn bức họa mà ông đã để lại cho đời”.

Kim Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...