(GD&TĐ) - Cái đúng và cái đẹp là hai mặt của văn chương. Yêu cầu đối với việc đánh giá học sinh khi viết một bài văn hay bài làm môn Toán, Lí, Hoá, Ngoại ngữ... là đúng - sai. Nhưng bài làm văn - nhất là bài của học sinh giỏi - còn được định giá bằng một tiêu chí vô cùng quan trọng và mang tính quyết định, đó là hay - dở.
Đạt tiêu chuẩn
Một bài văn học sinh giỏi được đánh giá là tốt phải đảm bảo hai tiêu chuẩn: vừa đúng vừa hay. Hai thành phần đó có quan hệ tác động qua lại với nhau một cách mật thiết và chặt chẽ. Trong mỗi bài văn, cái đúng là cơ sở cho cái hay tồn tại, phát triển; Cái hay làm tăng giá trị của cái đúng. Không đúng thì không thể hay, ngược lại không hay thì đúng cũng chẳng có được giá trị cần thiết.
Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi rèn luyện khả năng viết, so với yêu cầu để đạt tới giá trị đúng thì yêu cầu đạt tới mức độ hay ở mỗi bài viết khó khăn hơn nhiều. Để viết đúng, học sinh có thể sử dụng những hiểu biết về văn học và cuộc sống để trình bày theo một yêu cầu nào đó. Không sáng tạo trong tiếp nhận vận dụng thì không thể có được bài văn hay, tạo ra cái riêng của mình trong bài viết.
Vậy nên một bài văn của học sinh giỏi văn ngoài yêu cầu viết đúng còn phải là một bài văn hay, tức là học sinh phải biết cảm thụ, tiếp nhận và diễn đạt một cách tinh tế, sâu sắc, biết rung động thực sự trước mỗi áng văn và có khả năng sáng tạo trong khi viết. Nói cách khác, bài văn học sinh giỏi được viết ra trong mối quan hệ giữa tri thức và tình cảm; giữa trí tuệ và cảm xúc; giữa nhận thức lí tính và cảm thụ cảm tính; giữa khoa học và thẩm mỹ...
GV là người truyền cảm hứng sáng tạo cho HS |
Phải biết đọc và cảm Văn
Để có cảm xúc chân thành và sâu sắc trong bài viết, người viết phải thực sự hiểu văn và phải đặt mình vào trong thế giới nghệ thuật. Muốn vậy, học sinh cần được nhen nhóm và nuôi dưỡng cảm xúc văn chương, cảm xúc thẩm mỹ cần thiết cho mình trong quá trình viết văn. Yêu cầu trước tiên, hết sức quan trọng, là người viết phải biết đọc văn.
Việc đọc và cách đọc cho học sinh lâu nay có vẻ không được quan tâm đúng mức nên có lúc, có chỗ còn bị xem nhẹ. Bài làm văn là kết quả của việc đọc, cảm thụ và tiếp nhận, vừa là kết quả học tập của học sinh từ những nguồn tri thức đến từ giáo viên, sách vở, tài liệu...
Khi đọc cũng như khi nghe lời giảng, lời bình, học sinh không chỉ có ý thức nghe ngóng bài nói, viết ấy có nội dung phản ánh gì mà phải còn nắm bắt được những cảm nhận tinh tế nhất, những xúc cảm sôi nổi nhất, những tình cảm dâng trào, trong nguồn mạch cảm xúc của lời giảng, lời bình. Những cảm xúc, những tình cảm ấy góp phần nuôi dưỡng cảm xúc khi học sinh viết một bài văn, biết biến cảm xúc mà bài giảng, lời bình của thầy cô giáo hoặc nhà phê bình thành cảm xúc của chính mình.
Sự thỏa mãn về trí tuệ và sự nâng đỡ cảm xúc, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm trong khi nghe giảng và đọc tài liệu tham khảo có tác dụng to lớn trong việc tạo hứng thú viết văn, lại góp phần giúp cảm thụ sâu sắc và tạo ra những rung động thẩm mỹ cần thiết khi viết văn. Cảm xúc thẩm mỹ là một trong những nguồn mạch quan trọng của hoạt động khám phá, luận bàn về tác phẩm văn chương; Cảm xúc có lúc điều khiển cách sử dụng ngôn từ, việc lựa chọn biện pháp tu từ và văn tạo ra chất men say cho bài viết; Cảm xúc góp phần làm cho nội dung vấn đề được nổi bật và sâu sắc hơn.
Trong khi tiếp cận tác phẩm và lĩnh hội các giá trị của nó, cần nhận thấy được cái hay, vẻ đẹp của tác phẩm văn chương ở thi nhãn, thần cú... Nơi đó, tập trung bộc lộ mạch tư tưởng, tập trung thể hiện ý tưởng của tác giả, là chỗ mà cảm xúc của người viết được tuôn trào một cách tự nhiên, chân thành. Nếu không phát hiện được điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm, thì chúng ta không thể có những rung động thật sự sâu sắc và cụ thể về tác phẩm.
Đừng quên và đừng bỏ qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, từ đó tránh được tình trạng viết lan man mà không có điểm nhấn để làm nổi bật nội dung cần thiết và cũng không bị thiếu đi những lúc, những chỗ để thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình của ngòi bút. Biết lướt qua những gì không đáng dừng chân và biết “cày sâu cuốc bẫm” ở những chi tiết, những hình ảnh, những hình tượng tạo nên vẻ đẹp, cái hay và sức nặng của tác phẩm thì lao động làm văn mới có thành quả tốt đẹp...
Học sinh cần biết đọc và cảm văn |
Cần sự sáng tạo
Bài viết của học sinh tuy là sản phẩm của việc tập làm văn, của việc học văn trong nhà trường phổ thông nhưng nó là kết quả của quá trình lao tâm khổ tứ nhưng cũng đầy hứng thú và sáng tạo. Sáng tạo trong làm văn của học sinh có nhiều mức độ.
Mức độ thấp nhất, có tính “phổ thông” cần đạt được là tiếp nhận và tận dụng linh hoạt mà những điều đã học từ việc học ở lớp, từ tài liệu sách vở... thành bài viết của mình mà không phải là sao chép nguyên văn và máy móc từ các nguồn tri thức ấy. Học hỏi và tham khảo tri thức từ thầy cô và sách vở vừa nhằm tăng cường, tích lũy tri thức, kinh nghiệm vừa để bồi bổ tâm hồn tỉnh cảm cho bản thân. Mặt khác, thông qua việc học hỏi và tham khảo này học sinh có thể tạo ra cảm xúc thẩm mỹ.
Hứng thú và cảm xúc sẽ đưa tới những nội dung mới trong bài viết. Nội dung mới ở đây không đòi hỏi là những phát hiện, những ý tưởng thực sự mới mẻ so với những gì mà nhà trường đã dạy, tài liệu đã viết mà chính là cách diễn đạt kết quả cảm thụ và hiểu viết, cách vận dụng có sáng tạo những tri thúc văn học trong bài giảng, bài viết của người khác thành bài văn của chính mình, chứ không phải là sao chép lại vào bài của người khác một cách máy móc.
Tuy nhiên bài làm văn của học sinh rất cần đến sự phát hiện, những ý tưởng mới mẻ, đây là mức độ cao nhất của sáng tạo trong hoạt động cảm thụ và làm văn của học sinh phổ thông. Có như vậy mới thực sự có được những bài văn hay, những bài văn tốt và nhà trường mới có được những học sinh giỏi văn đích thực.
Màu sắc riêng của từng người viết được tạo ra không chỉ ở giọng điệu, cách viết mà còn có được từ những ý tưởng, những giá trị mới mẻ.
Vậy nên, chúng ta đừng ngần ngại khi bắt gặp học sinh đưa ra những cách hiểu, cách đánh giá mới, khác lạ (đương nhiên là phải có lí) với những điều đã quen của chính mình bởi tác phẩm văn chương lấy một để nói nhiều, lấy cụ thể để phản ánh khái quát, lấy cái hữu hạn để phản ánh cái vô hạn. Nó luôn ở trong thế động, luôn có xu hướng mở... Bài văn là nơi để học sinh thể hiện bản lĩnh của mình và làm văn là công việc đầy sáng tạo nên không thể gò mình vào sự lệ thuộc của ý kiến, nhận xét đánh giá của người khác.
Bài làm văn của học sinh rất cần đến sự phát hiện, những ý tưởng mới mẻ, đây là mức độ cao nhất của sáng tạo trong hoạt động cảm thụ và làm văn của học sinh phổ thông. Có như vậy mới thực sự có được những bài văn hay, những bài văn tốt và nhà trường mới có được những học sinh giỏi văn đích thực. |
Lê Đức Thịnh
GV Trường THCS Nguyễn Trãi (Đại Lộc, Quảng Nam)