Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; đại diện lãnh đạo các Cụ, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo Sở GD&ĐT 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích: Có nhiều tiêu chí để đánh giá thi đua. Nhiều địa phương gặp khó khăn nhưng nếu vượt lên được thì cần biểu dương. Đánh giá thi đua không thể cào bằng mà cần có tiêu chí riêng. Khu vực khó khăn phải có cách đánh giá khác với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển.
Chuẩn hóa tiêu chí đánh giá thi đua là việc cần làm. Để chuẩn bị cho năm học mới, các Sở GD&ĐT cần đưa các tiêu chí thi đua vào trong nhiệm vụ năm học, hướng tới sự thiết thực trong địa phương mình. Như vậy, công tác thi đua mới đạt được hiệu quả cao.
Lắng nghe ý kiến đóng góp của các Sở về công tác điều hành giáo dục, Bộ trưởng lưu ý: Đầu tư cho giáo dục các địa phương cần phải được cụ thể hóa từ các sở, ban, ngành. Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát tại các tỉnh để có tiêu chí gửi về cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, từ đó có những đánh giá cụ thể.
Các địa phương cần chủ động đề xuất với Bộ cắt giảm chương trình, môn học nào thấy không cần thiết, các vấn đề giấy tờ sổ sách quá nhiều ở những lĩnh vực không phải giáo dục.
Liên quan đến Thông tư 30 và mô hình VNEN, Bộ trưởng khẳng định đây là chủ trương lớn của Ngành, các nội dung thực hiện có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, vì quen với cách làm cũ nên giáo viên ngại thay đổi.
“Nếu địa phương nào gặp khó khăn cần mạnh dạn đề xuất với Bộ GD&ĐT. Tránh tình trạng bên ngoài chưa hiểu nhưng trong ngành Giáo dục đã phản ứng không đúng, gây những tác động không tốt trong xã hội” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đề xuất từ lãnh đạo Sở GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ
Tiếp tục phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang bị thiết bị giáo dục cho các địa phương, ban hành một số chính sách xã hội hóa mới để thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương này; sửa đổi bổ sung Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT theo hướng dẫn mở hơn để tạo điều kiện cho thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Tổng kết đánh giá toàn diện các mô hình, đề án về giáo dục để có định hướng cụ thể cho giáo dục Việt Nam theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện; có chủ trương cụ thể về cơ quan quản lý trực tiếp trong việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề; quan tâm chỉ đạo công tác tuyển sinh đầu vào chất lượng đào tạo các trường Trung cấp chuyên nghiệp; xây dựng một bộ tiêu chuẩn hợp nhất đánh giá về “Xây dựng trường học chuẩn quốc gia”, “ Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực” và “Kiểm định chất lượng giáo dục”...