Ghi nhận từ các địa phương cho thấy, cách đánh giá mới đã mang lại những ưu việt tích cực. Bên cạnh việc giảm áp lực về điểm số, cách đánh giá này mang đến những lợi ích thiết thực cho học sinh.
“Điều gì có lợi cho HS thì nên làm”
Cô Nguyễn Thu Hằng, GV tiểu học huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Khi thực thi cách đánh giá theo Thông tư 30, GV chúng tôi cũng còn nhiều ngại ngần, lúng túng.
Tuy nhiên, khi được tập huấn, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn, cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã áp dụng một cách nhuần nhụy cách thức đánh giá này. Trong quá trình giảng dạy, các GV quan sát, theo dõi các biểu hiện trong hoạt động học tập và cả những sinh hoạt vui chơi hàng ngày của HS. Thông qua đó GV sẽ nắm rõ được những khó khăn, hạn chế và những tiến bộ của các em. Điều này, khác với trước đây, giáo viên chỉ chú ý chấm điểm ở các bài làm của các em.
Mỗi một tuần, một tháng, GV lại có sự đánh giá chung và đối chiếu với sự đánh giá của GV bộ môn và HS cùng trong một nhóm hoặc một tổ. Những nhận xét này chú trọng đến việc hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS.
Song song với việc chỉ ra những hạn chế, GV luôn có những lời động viên, khích lệ, giúp HS khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và sở trường của mình. So với cách đánh giá trước kia, thì đánh giá theo tinh thần Thông tư 30 đòi hỏi cách làm việc của GV phải trách nhiệm tỉ mỉ và khoa học. Khối lượng công việc của mỗi GV cũng tăng lên, tuy nhiên điều gì có lợi cho HS thì các thầy cô đều nên làm.
Cũng theo cô Nguyễn Thu Hằng, sau 4 tháng thực thi cách đánh giá mới, cho đến thời điểm này HS của lớp cô phụ trách đã quen với những lời nhận xét hàng ngày của cô giáo.
Các em háo hức đón nhận những nhận xét, bắt đầu có ý thức tiếp nhận và điều chỉnh trong hoạt động học và các hoạt động ngoại khóa khác. Đặc biệt đối với những HS ở các khối 4, khối 5 đã mạnh dạn và tự tin hơn trong việc góp ý nhận xét cho các bạn cùng lớp.
Cô giáo Hoàng Hương, Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông - Hà Nội) cũng chia sẻ: Thực hiện theo cách đánh giá mới, ngoài những lời nhận xét trực tiếp trên lớp, để cách đánh giá được khách quan và chính xác, hàng tuần các GV thường có những bài kiểm tra chung đối với toàn bộ HS trong lớp.
Sau khi chữa cụ thể các lỗi sai trực tiếp trên vở, GV sẽ ghi các nhận xét đối với từng em. Theo cách làm này, GV sẽ kiểm tra và đánh giá được năng lực cụ thể của mỗi HS trên cơ sở mối tương quan của lớp.
Ngoài ra, việc ghi chép theo sổ nhật ký sẽ giúp cô giáo sát sao hơn khi nhận xét hay đánh giá HS hàng tháng hoặc kết thúc học kỳ. Cách đánh giá mới không chỉ chú trọng tới năng lực học tập của HS, mà còn định hướng các em trong việc hình thành nhân cách một cách toàn diện.
Tăng cường giám sát chỉ đạo
Bà Bùi Thị Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn Thông tư 30 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, Phòng đã tích cực triển khai tập huấn cho toàn bộ hiệu trưởng và giáo viên tại các trường tiểu học. Những khúc mắc, khó khăn từ phía cơ sở luôn được hướng dẫn và giải đáp cụ thể.
Cách nhận xét, đánh giá đều được dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng chung của cấp học. Trong quá trình triển khai, Ban giám hiệu các trường có nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn kịp thời cho các GV, sao cho các lời nhận xét phải cụ thể linh hoạt và không máy móc, theo tinh thần chỉ ra những lỗi sai và khuyến khích được việc phát huy năng lực phẩm chất của HS.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương, mới đây Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Giám đốc Sở GD&ĐT về việc chỉ đạo đánh giá định kỳ theo Thông tư 30.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học ở địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm các thủ tục, hồ sơ hành chính, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để tạo điều kiện cho GV tập trung vào công việc chuyên môn, tiếp tục quen dần với việc đổi mới, chia sẻ cách nhận xét, hướng dẫn hỗ trợ HS trong quá trình học tập và rèn luyện.
Văn bản của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức kiểm tra định kỳ theo Thông tư 30. Việc kiểm tra định kỳ được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho HS và phụ huynh.