Đánh giá mô hình VNEN: Đề xuất “sốc” của Đồng Tháp

GD&TĐ - Trong báo cáo tổng kết, đánh giá mô hình VNEN mới đây, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã kiến nghị UBND tỉnh không mở rộng, tiến tới dừng triển khai giảng dạy tài liệu VNEN trên địa bàn tỉnh.

Trong một tiết học theo Mô hình VNEN tại Đồng Tháp
Trong một tiết học theo Mô hình VNEN tại Đồng Tháp

Có cả kết quả nổi bật và hạn chế

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tham gia VNEN từ năm học 2012 - 2013, vì thuộc nhóm 3 nên toàn tỉnh chỉ có 1 trường được tham gia Dự án là Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Cao Lãnh. Năm học 2015 - 2016, tỉnh tiếp tục dạy theo Mô hình VNEN với 1 trường trong dự án, 8 trường nhân rộng toàn phần và 100% trường nhân rộng từng phần.

Ở cấp THCS, Mô hình Trường học mới được tỉnh Đồng Tháp triển khai từ năm học 2015 - 2016. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 trường thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố đang triển khai dạy học theo Mô hình Trường học mới.

Từ thực tế nhiều năm triển khai, ông Nguyễn Minh Tâm khẳng định, học sinh tiểu học được tham gia VNEN mạnh dạn, linh hoạt hơn trong giao tiếp. Các em tiếp thu bài học một cách chủ động, thoải mái hơn; được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử trong mỗi giờ học. Không chỉ thể hiện tốt tính tự học, tự quản, tự đánh giá, học sinh còn biết giúp đỡ nhau trong học tập, biết cách tự làm việc theo yêu cầu của tài liệu và hướng dẫn của giáo viên.

Với THCS, những học sinh đang thực hiện học theo Mô hình Trường học mới được đánh giá phát triển phẩm chất năng lực tốt hơn so với học sinh học chương trình đại trà. Cụ thể: Kết quả năng lực, phẩm chất có 601/618 (chiếm 97,25%) đạt trở lên; kết quả học tập: 593/618 (chiếm 95,95%) đạt trở lên.

Giáo viên thay đổi cách tổ chức, quản lý lớp học theo hình thức nhóm, hoạt động của giáo viên tập trung vào việc tổ chức, hướng dẫn các em học tập, hỗ trợ hoạt động nhóm và những cá nhân cần quan tâm giúp đỡ. Không gian phòng học trở nên đẹp hơn, thân thiện hơn đối với thầy và trò, ngoài ra, còn hỗ trợ cho các em về nhu cầu học tập và các hoạt động trải nghiệm khác, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực. Đa số các em trong đội tuyển học sinh giỏi là học sinh của các trường có dạy học theo Mô hình Trường học mới.

Tuy nhiên, từ tổng kết, đánh giá mô hình này, ông Nguyễn Minh Tâm cũng cho biết, khi triển khai VNEN cấp tiểu học, một vài giáo viên còn lúng túng về phương pháp, kĩ thuật dạy học. Cha mẹ học sinh chưa tiếp cận kịp chương trình nên chưa hướng dẫn con em học tập ở nhà được tốt. Do đây là một cách tiếp cận mới nên một vài cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh bỡ ngỡ, lúng túng.

Với THCS, giáo viên và học sinh chưa chủ động có tài liệu trong hè để nghiên cứu trước, chưa có tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh. Việc đánh giá học sinh chủ yếu bằng nhận xét, trong khi đó, cha mẹ học sinh còn tâm lý đánh giá học sinh bằng điểm số. Một số học sinh còn có tâm lý phụ thuộc vào các bạn có học lực khá, giỏi trong nhóm, chưa tích cực hoạt động để phát huy khả năng của mình...

Giáo viên vẫn là nhân tố quyết định

Bài học kinh nghiệm đầu tiên được Sở GD&ĐT Đồng Tháp rút ra trong quá trình triển khai VNEN là phải lựa chọn trường đảm bảo đúng các điều kiện tham gia. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để giúp cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và cộng đồng hiểu rõ, an tâm và tự nguyện tham gia thực hiện cùng với nhà trường. Thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn các đơn vị trong quá trình thực hiện. Tổ chức tập huấn hiệu quả cho cán bộ quản lí, giáo viên trước khi thực hiện; tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm triển khai.

Yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình là các cấp lãnh đạo quan tâm, theo dõi, hỗ trợ cơ sở kịp thời. Lãnh đạo nhà trường nhiệt tình, năng động, giỏi về chuyên môn, là chỗ dựa cho giáo viên về chuyên môn. Việc triển khai mở rộng trường, lớp do cơ sở tự lựa chọn.

Đặc biệt, dù tài liệu, sách giáo khoa có hay đến đâu, giáo viên vẫn là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, các cấp quản lý phải giúp giáo viên thông suốt về tư tưởng; bên cạnh đó, bồi dưỡng cho đội ngũ này vững vàng về chuyên môn. Đặc biệt, giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy.

Trong thời gian tới đối với cấp tiểu học, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh không tiếp tục thực hiện các chương trình thí điểm từ năm học 2019 - 2020 mà chỉ khuyến khích giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học hiệu quả, hình thức tổ chức lớp phù hợp địa phương. Khi Bộ GD&ĐT triển khai thay sách giáo khoa mới, tỉnh sẽ thực hiện theo chương trình chuẩn của Bộ trên toàn tỉnh.

Với cấp THCS, Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và dạy học.

Về phía Sở GD&ĐT sẽ thường xuyên theo dõi, nắm tình hình các lớp học theo Mô hình Trường học mới để kịp thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Khuyến khích các đơn vị thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đối với các lớp học triển khai theo Mô hình Trường học mới sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu đến hết năm học 2019 - 2020, không mở rộng thêm quy mô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ