Đánh giá không điểm số: Chia sẻ của nhà giáo ưu tú trẻ nhất nước

GD&TĐ - Đồng tình với chủ trương đánh giá học sinh tiểu học qua Thông tư 30, cô Mai Thị Thắm - Giáo viên Trường tiểu học An Lộc B (Bình Phước) - cho rằng các giáo viên cần nỗ lực hơn để khắc phục những khó khăn trước mắt, đưa việc dạy học đi vào nền nếp.

Cô giáo Mai Thị Thắm t thường dành thời gian quan tâm đến từng học sinh để có được những đánh giá đúng, tình cảm cho mỗi em.
Cô giáo Mai Thị Thắm t thường dành thời gian quan tâm đến từng học sinh để có được những đánh giá đúng, tình cảm cho mỗi em.

Chủ trương đúng đắn

Dù vẫn còn gặp một số khó khăn trước mắt, nhưng đa số giáo viên đều đồng tình với chủ trương thực hiện việc đánh giá học sinh bằng "lời nói" thay cho điểm số. Điều này sẽ giúp học sinh giảm áp lực học tập. Thông qua việc giáo viên phân tích lỗi sai và chỉ hướng khắc phục cụ thể, học sinh sẽ tiến bộ nhanh.  

Cô giáo Mai Thị Thắm   

Cô Thắm cho biết: Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học và Chỉ thị 5105 về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học đã đem lại làn gió mới, đem lại nhận thức mới cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh trong nhà trường cũng như trong huyện, trong tỉnh.

Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT rất phù hợp với đặc điểm của học sinh tiểu học. Ở tuổi này, các em cần hơn những lời khen ngợi và cần tránh gây áp lực học tập cho các em.

Cũng có một số phụ huynh cho rằng các em học sinh rất thích điểm. Nhưng qua khảo sát thì đó chỉ đúng một phần. Chỉ những học sinh giỏi thì thích điểm, còn những học sinh học trung bình thì không thích cho điểm vì cho điểm thì các em thường xuyên thua các bạn, không bao giờ bằng điểm các bạn khá giỏi.

Trong lớp tôi có một học sinh học tương đối chậm, giáo viên nói con phải cố gắng. Có nghĩa là mình phải chú ý đến từng tiến bộ nhỏ của em đó. Ví dụ như hôm nay em đó viết chữ có đẹp hơn một chút là giáo viên nên tìm cơ hội khen ngay. Em đó sẽ phấn chấn hăng hái học tập.

Với cách đánh giá mới, các cha mẹ sẽ thấy các con được đánh giá chính xác hơn vì có bằng chứng xác thực, và cũng biết được về con nhiều hơn. Ví dụ: Trước kia, phụ huynh chỉ biết con em mình học giỏi, điểm toàn 9, 10. Bây giờ biết thêm là con rất nhanh nhưng hay ẩu hoặc con học hơi chậm nhưng chắc chắn.

Lời nhận xét phải là lời tâm huyết của giáo viên

Cô Thắm chia sẻ: Những ngày đầu triển khai Thông tư 30, cô và những đồng nghiệp luôn "ngập đầu" trong những cuốn sổ sách. Để nhận xét đầy đủ học sinh trong một buổi học như môn Toán, cần phải dành 2 tiếng đồng hồ để "ghi sổ".

Ban đầu, đây có thể sẽ là áp lực lớn đối với giáo viên vì cách làm là hoàn toàn mới, vừa làm lại vừa phải học tập, rút kinh nghiệm. Áp lực về sổ sách còn lớn hơn đối với giáo viên các bộ môn "phụ" như Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài giờ trên lớp, có thầy cô phải nhận nhiệm vụ "nhận xét" tới gần 1.000 em học sinh.

Yêu cầu nhận xét phải cụ thể, rõ ràng, chỉ cho học sinh biết mình làm tốt phần nào, phần nào phải khắc phục. Lời nhận xét không thể cứ lặp đi lặp lại, phải làm sao để học sinh và phụ huynh thấy con em mình khác trước.

Khó nhất là với những em có học lực giảm sút, nếu nhận xét không khéo sẽ làm các em mặc cảm, phụ huynh hoang mang. Mặt khác, khi ghi nhận xét thì không chỉ lời văn, mà nét chữ giáo viên phải chân phương, đẹp. Để làm được như vậy giáo viên phải nắn nót từng chữ rất mất thời gian.

Một vấn đề khác khiến các giáo viên trăn trở là học sinh lớp 1 đang học đánh vần, không đọc được nhận xét của cô trong khi nhiều phụ huynh không quan tâm kiểm tra vở con hàng ngày, còn nhận xét bằng lời thì không phải em nào cũng nhớ để về nói lại với cha mẹ.

Để có những đánh giá tâm huyết cho học sinh, các giáo viên phải tranh thủ tận dụng tối đa thời gian. Ngoài thời gian trống tiết ở trên lớp, các cô phải tranh thủ "mang việc" về nhà. Vì nếu không nhận xét ngay hôm đó, để đến hôm sau hoặc lâu hơn thì nhiều khả năng sẽ "quên mất".

Hiện nay, phần lớn cha mẹ đều rất quan tâm đến tình hình học tập của con em mình và cũng rất quan tâm đến những lời nhận xét của cô giáo. Nếu nhận xét sơ sài hoặc không đúng, không sát thì sẽ rất khó "ăn nói" với các phụ huynh.

Để vẹn cả đôi đường, vừa phải nhận xét tâm huyết, vừa phải nhận xét đầy đủ học sinh trong lớp sẽ gây khó khăn không nhỏ về thời gian và trách nhiệm lên mỗi giáo viên.

Vì vậy, các giáo viên trong trường sẽ cùng nỗ lực vượt khó để thực hiện mục tiêu chung. Nhất định trong quá trình triển khai, sẽ xuất hiện những sáng kiến kinh nghiệm để giúp hoàn thiện hơn trong quá trình dạy học.

Một khi xác định được tâm huyết, gắn bó với nghề, vì  học sinh thân yêu, vì mục tiêu chung thì nhất định sẽ làm được - Cô Thắm khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ