Một số trường tiểu học đã thống nhất được mẫu sổ nhận xét học sinh thay cho điểm số. Ảnh: Lan Anh |
(GD&TĐ) - Khi thực hiện một chủ trương giáo dục mới, người mang gánh hai vai, khó khăn nhất có lẽ là các hiệu trưởng nhà trường. Bởi vừa phải làm thế nào thực hiện cho đúng chỉ đạo của cấp trên, để không đi lệch hướng, vừa phổ biến cho giáo viên, phụ huynh, đôi khi còn kiêm thêm cả công tác tư vấn, “úy lạo” tinh thần cho mọi người. Thế nên với chủ trương không cho điểm học sinh lớp 1, thời gian đầu, nhiều hiệu trưởng đã gãi đầu mà rằng: Chúng tôi đứng giữa đôi bờ!
Phụ huynh “phản pháo”
Chủ trương đánh giá bằng nhận xét hai môn Toán và Tiếng Việt với học sinh lớp 1 được đưa ra từ đầu năm học này. Rất tâm đắc với quan điểm không nên tạo áp lực cho học sinh lớp 1 bằng điểm số, nhưng không ít hiệu trưởng phải thốt lên: Quả là cái gì mới cũng khó!
Có hiệu trưởng cho biết, không chỉ ngẫm ngợi kỹ văn bản của Bộ, hướng dẫn của Sở mà nhiều khi còn thâu đêm lên mạng đọc những bài báo tham khảo ý kiến của cộng đồng, đồng nghiệp về vấn đề không chấm điểm với học sinh lớp 1. “Việc thiết thân đến mình thì mình quan tâm, nhưng phụ huynh có phải ai cũng biết đâu. Họ đâu có quan tâm đến chuyện chuyên môn. Nhưng khi nhận ra có thay đổi thì cũng có người phản ứng dữ lắm” - một vị chia sẻ.
Chị Phùng Thị Anh Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nông nghiệp I (Hà Nội) kể: Trước khi triển khai cách đánh giá mới, nhà trường đã cẩn trọng mở một cuộc họp phụ huynh chỉ thông báo riêng về vấn đề này. Ban đầu, một số người không hiểu, thẳng thắn phản pháo hiệu trưởng: Đang yên đang lành lại thay đổi, không chấm điểm, chúng tôi biết làm thế nào để biết con học tốt hay kém, có tiến bộ hay không?
Câu hỏi này đã được dự kiến trước nên việc an lòng phụ huynh không khó. Cũng bởi lợi ích của việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 đã thật rõ ràng: Không chỉ trút bỏ được sự căng thẳng, áp lực của học sinh mà đặc biệt với các em chưa biết đọc, viết sẽ không cảm thấy mình kém cỏi so với những bạn đã biết đọc, viết trước. Cha mẹ học sinh từ đó cũng không bị kéo vào cuộc đua cho con học thêm trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, dù không chấm điểm nhưng giáo viên sẽ thay vào đó là nhận xét. Những nhận xét sát với từng học sinh, chỉ ra từng điểm các em đạt và chưa đạt sẽ có tác động tốt hơn điểm số.
“Thật may là sau đó, đa số phụ huynh hiểu ra và từ băn khoăn đã rất ủng hộ và hào hứng với chủ trương mới” – Chị Phùng Thị Anh Hà cho biết.
Những tình huống được phụ huynh “tiếp kiến” bất ngờ từ khi triển khai chủ trương không chấm điểm cho học sinh lớp 1, cũng được kể lại. Câu chuyện từ một hiệu trưởng ở một trường ngoại thành Hà Nội: Kết thúc giờ học, một phụ huynh mặt căng thẳng dắt con đến gặp tôi. Vị này nói luôn: “Cô xem, bài cháu viết thế này mà cô nói là con viết đạt. Cô giáo làm thế nào là thiếu trách nhiệm”.
Cầm quyển vở lên xem, quả là chữ viết còn nguệch ngoạc, viết chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ chưa đúng dòng kẻ. Tuy nhiên con đã viết đúng hình con chữ. Lại phải ngồi giải thích với vị phụ huynh nghiêm khắc này rằng: Năm nay có giảm đôi chút yêu cầu đối với các con, việc đánh giá cũng nhẹ nhàng hơn. Nếu con viết đúng hình chữ đã phải nhận xét là con viết đúng, chỉ có điều là chưa đẹp thôi. Những điều này cô giáo đã nhận xét, chỉnh sửa trực tiếp cho con trên lớp... Vị phụ huynh này, sau đó hỏi lại con để “kiểm chứng” mới gật gù hài lòng ra về.
Lên “dây cót” tinh thần cho giáo viên
Em biết chữ rồi, giờ có thể đọc sách trong thư viện |
Phụ huynh thì chỉ thắc mắc vì chưa hiểu, nhưng khó nhất với người hiệu trưởng vẫn là lên “dây cót” tinh thần cho giáo viên. Bởi, việc thay chấm điểm bằng nhận xét cho học sinh lớp 1 rất có lợi cho học sinh nhưng giáo viên sẽ phải gánh thêm không ít việc và gia tăng sức ép, nhất là ở những thành phố lớn khi sĩ số học sinh trên lớp rất đông. Công việc của giáo viên lớp 1 vốn đã vất vả nhất trong cấp học, nay để nhận xét trúng, đúng từng học sinh, mỗi giáo viên cần nhiều công sức hơn, nhiều tâm huyết cũng như nhiều tình yêu thương hơn.
Chỉ riêng việc ghi lời nhận xét cho học sinh như thế nào cũng đã là cả một vấn đề. Thông tin từ ông Trần Minh Mạnh - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm (Hà Nội), cách đây không lâu, phòng GD&ĐT đã tổ chức riêng một cuộc họp chuyên môn về vấn đề này. Các ý kiến xoay quanh trăn trở, làm thế nào để lời nhận xét ngắn gọn, dễ hiểu vì học sinh lớp 1 đọc chưa thông, viết chưa thạo; khó nhất là nhận xét theo hướng tích cực, động viên nhưng vẫn phải giúp học sinh biết điểm yếu, mạnh của mình để cố gắng. Rồi, qua lời nhận xét đó, cha mẹ học sinh cũng có thể biết được mức độ học tập và nhận thức của con em mình.
Đặc biệt, riêng Hà Nội, trong hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT có thêm yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải lập "Sổ theo dõi học tập môn Toán, Tiếng Việt lớp 1" ghi chép nhận xét từng học sinh. Chia sẻ của nhiều hiệu trưởng, đây cũng là nội dung phải mất nhiều thời gian để “làm công tác tư tưởng” với giáo viên. Bởi, với cách viết nắn nót của các cô giáo lớp 1, trước khi viết lại phải đắn đo từng lời nhận xét thế nào cho hợp lý, trúng với từng học sinh thì với một quyển sổ với 50 trang, tương đương với 50 học sinh, mỗi giáo viên phải mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
Các trường thuộc huyện Gia Lâm đã thống nhất được mẫu sổ nhận xét. Theo đó, mỗi tuần các cô ghi nhận xét về học sinh của mình một lần. Vì quỹ thời gian eo hẹp, nên giáo viên đành phải làm công việc này vào ngày nghỉ. Vai trò của người đứng đầu nhà trường không chỉ là kiểm tra giám sát mà quan trọng là theo sát động viên để giáo viên nỗ lực qua giai đoạn khó khăn, mới mẻ ban đầu.
Với nhiều nỗ lực, bước đầu việc thực hiện cách đánh giá mới đã khá suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một điều trăn trở, của cả giáo viên đứng lớp và người quản lý nhà trường, đó là việc đánh giá khá “thoáng” và nhẹ nhàng với học sinh như vậy có làm giảm động lực của các em hay không? Có làm giảm sự kích thích của gia đình đối với việc học của trẻ hay không? Nhiều giáo viên tâm sự rất thật rằng, không quan trọng là công sức bỏ ra bao nhiêu, nhưng nếu thực sự học sinh tiến bộ, vui đến trường thì mọi vất vả đó đều sẽ biến thành niềm vui và động lực để tiếp tục cống hiến.
Hiếu Nguyễn