Đằng sau "cuộc chiến chợ đen" ở Triều Tiên

Việc buôn bán hàng hóa "chợ đen" được xem là cách thức để Triều Tiên thu lợi trong bối cảnh bị trừng phạt kinh tế, lạ lùng là Hàn Quốc và Mỹ lại đang khuyến khích điều này.

Đằng sau "cuộc chiến chợ đen" ở Triều Tiên

Người Triều Tiên đào tẩu qua ngả Trung Quốc kể với Reuters về việc tái đầu tư vào các doanh nghiệp ở Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc gần đây tích cực kêu gọi các nước khác trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên. Căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ - Hàn đã leo thang đáng kể sau khi Bình Nhưỡng có hai đợt thử hạt nhân trong năm nay, và các phương án cấm vận của Liên Hiệp Quốc chưa cho thấy hiệu quả.

Ngoài những nỗ lực vận động ngoại giao “nghỉ chơi” với Triều Tiên cũng như các biện pháp trừng phạt công ty Triều Tiên, việc thúc đẩy người đào tẩu Triều Tiên làm kinh tế là một trong những phương án phía Mỹ và Hàn Quốc đang chú trọng.

Họ muốn người đào tẩu Triều Tiên quay lại tái đầu tư vào nền kinh tế Triều Tiên, và cho đây là cách thúc đẩy sự thay đổi dần dần từ bên trong đất nước này.

Một người đào tẩu khỏi Triều Tiên, hiện sống tại Hàn Quốc, đã thông qua một đường dây bí mật để gửi hàng ngàn USD để giúp hàng chục người Triều Tiên trong nước mở doanh nghiệp như bán thức ăn, tạp hóa.

Năm 2015, ông chuyển hơn 3.000 chiếc đèn LED để bàn xuất xứ Trung Quốc đến 3 doanh nghiệp Triều Tiên. Ngoài ra người đào tẩu giấu tên này cũng gửi đến Triều Tiên những dụng cụ châm cứu, túi xách, thuốc nhuộm, đồ lót giá rẻ hoặc đồ từ thiện, Reuters ngày 29.9 cho biết.

Ở Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un thời gian qua đã cho phép sự gia tăng của loại hình thương mại nửa tự do, nửa theo quản lý gọi là “jangmadang”. Trong cái gọi là “thế hệ jangmadang”, người buôn bán ở Triều Tiên hiện có thể kinh doanh hàng hóa tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thị trường này cải thiện cuộc sống cho nhiều người, tạo nguồn thu, nhưng cũng đồng nghĩa họ sẽ ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế nhà nước và phần nào làm “xói mòn quyền lực nhà nước”, theo như lập luận của người đào tẩu kể trên.

Người đàn ông ở độ tuổi 40 này cũng đã đầu tư từ 20.000 - 30.000 tệ (3.000 - 4.500 USD) vào các cửa hàng tạp hóa ở nông thôn cũng như tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Đó có vẻ cũng là điều Hàn Quốc hướng tới. Một báo cáo của chính phủ nước này trong năm 2015 đề xuất việc tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân của Triều Tiên như một phương án thúc đẩy cải cách.

Đề xuất này không phải là chính sách của Hàn Quốc, nhưng coi như là một mô hình kinh tế vi mô dành cho các công ty khởi nghiệp và có quan hệ đối tác với nhóm những công ty lớn ở Hàn Quốc, theo Reuters.

Dang sau

Dù cấm người dân làm ăn với Triều Tiên, phía Hàn Quốc được cho vẫn cố tình ngó lơ những khoản kiều hối của dân Triều Tiên tại Hàn Quốc gửi về quê hương

Hiện tại, bất cứ người Triều Tiên nào liên hệ với người Hàn Quốc đều được cho sẽ gánh chịu sự trừng phạt. Tương tự, phía Hàn Quốc cũng cấm công dân của họ buôn bán với người Triều Tiên, tuy vậy lại ngó lơ lượng kiều hối của khoảng 30.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Số tiền người Triều Tiên ở Hàn Quốc gửi về quê hương mỗi năm ước khoảng 10 triệu USD.

“Thị trường càng lớn, chính phủ càng suy yếu, nên chúng tôi phải hỗ trợ các doanh nghiệp Triều Tiên” - Reuters dẫn lời Ji Seong-ho, một người Triều Tiên đào tẩu nay đang dẫn đầu tổ chức nhân quyền có tên Thống nhất, Hiện tại và Hành động vì Nhân quyền (NAUH), chuyên giúp đỡ người tị nạn Triều Tiên tại Trung Quốc đào tẩu, cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thời gian gần đây cũng tìm cách tài trợ cho các dự án nhắm vào việc thúc đẩy dân chủ ở Triều Tiên, khuyến khích những người đào tẩu trẻ tuổi từ Triều Tiên sống ở Hàn Quốc cũng như những doanh nhân thuộc “thế hệ jangmadang” ở Triều Tiên tiếp cận với những người trẻ Triều Tiên.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ