Đằng sau chuyến công du “ngẫu hứng” của Narenda Modi

GD&TĐ - Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi vừa kết thúc chuyến công du bất ngờ đến Pakistan - một đất nước đã trải qua 3 cuộc chiến với hơn 65 năm đối đầu với Ấn Độ.

Cuộc gặp mang tính đột phá trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan?
Cuộc gặp mang tính đột phá trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan?

Theo các nhà phân tích, chuyến công du Pakistan của ông Modi sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước dự kiến được bắt đầu từ tháng Giêng năm tới.

“Kỳ lạ” Modi

Lịch sử quan hệ Pakistan - Ấn Độ được ghi đậm với hơn nửa thế kỷ xung đột cùng 3 cuộc chiến tranh đẫm máu và hàng loạt các cuộc khủng bố kinh hoàng. Giữa lúc căng thẳng giữa hai nước còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Modi bất ngờ đến Pakistan.

Với quyết định này, theo các nhà phân tích, Modi một lần nữa chứng tỏ mình là một chính trị gia… bất thường, khi ông sẵn sàng hành động trái với nghi thức ngoại giao miễn là có lợi.

Trở về từ Moskva, ông bay đến Kabul, nơi tòa nhà Quốc hội được những người xây dựng Ấn Độ bàn giao cho chính phủ
Afghanistan.

Buổi lễ long trọng này tất nhiên đã được biết trước. Bước tiếp theo là hoàn toàn bất ngờ, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đưa ra đề nghị dừng chân ở Lahore (Pakistan) chỉ vài giờ trước khi rời khỏi Afghanistan.

Và ngay lập tức mọi biện pháp an ninh ở Pakistan đã được triển khai để đón khách. Ở Pakistan, Modi đến thăm ngôi nhà tổ tiên của Thủ tướng Nawaz Sharif, chúc mừng sinh nhật Nawaz Sharif và tham dự đám cưới cháu gái của Thủ tướng Pakistan.

Những động thái này chỉ được thể hiện ở những người có mối quan hệ thân thiết. Nguồn tin từ người tham dự cuộc gặp gỡ Narenda Modi - Nawaz Sharif nói với AFP rằng hai nhà lãnh đạo cùng ăn chay và nói chuyện với nhau như những người bạn cũ trong gần 2 tiếng đồng hồ.

Về những hành động này, tờ Indian Express và hầu hết các tờ báo lớn ở Ấn Độ đều cho rằng, vì lợi ích hòa bình, Narenda Modi đã thực hiện một bước đi mạo hiểm.

Đã hơn 10 năm qua, lãnh thổ Pakistan chưa hề in dấu chân của Thủ tướng Ấn Độ. Trong bối cảnh hai nước đang có nhiều vấn đề phức tạp, chuyến thăm Pakistan với những cử chỉ thân tình của Narenda Modi đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ đảng Quốc đại.

Chọn Pakistan là tạo bước đi mang tính đột phá

Ai đã nghĩ ra ý tưởng sử dụng tiệc mừng của gia đình Nawaz Sharif vì lợi ích hòa giải?

Dư luận ở Islamabad cho rằng, đây chính là động thái làm dịu bớt căng thẳng trước thềm cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai nước dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2016.

Còn ở Delhi, các nhà phân tích ra sức khai thác hành động “khác thường” của Narenda Modi. Giám đốc Gateway House ở Mumbai, ông Nilam Deo cho rằng: Ông ấy (Modi - ND) thích gây bất ngờ, là người loại bỏ mọi điều cấm kị.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn “Nezavisimaya Gazeta”, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện Phương Đông, Viện HLKH Nga Tatyana Shaumyan cho rằng:

“Hành vi của Modi có vẻ ngông cuồng, nhưng nó được quyết định bởi mong muốn đảm bảo một điều kiện hòa bình từ bên ngoài để nâng cao sản xuất công nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với ông, chủ trương “Made in India” khó lòng thực hiện nếu đất nước luôn đứng trên bờ vực chiến tranh”.

Theo các nhà hiền triết của Ấn Độ, một chính khách trước hết phải xác định được những gì có thể và những gì không thể. Trong quan hệ với Trung Quốc, Delhi hiểu rằng giải quyết vấn đề biên giới là không thể.

Chính vì vậy, vấn đề này được “đóng gói để đấy”. Với Pakistan, tranh chấp ở Kashmir cũng không kém phần căng thẳng, không khác gì với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp ở Kashmir đang phụ thuộc rất nhiều vào những tên khủng bố ở vùng này, chính vì vậy, Narenda Modi đã chọn Pakistan để “khai thông bế tắc”.

Theo truyền thống, chính sách ngoại giao của Pakistan luôn bị quân đội nước này chi phối. Vậy thái độ của quân đội Pakistan sẽ như thế nào trước các động thái làm dịu căng thẳng giữa hai nước?

Hãng Reuters trích nguồn tin từ các nhà lãnh đạo cao cấp ở Islamabad khẳng định, tướng Raheel Sharif - Tư lệnh lục quân Pakistan đã dành cho cuộc đối thoại “phá băng” giữa hai nước một cái gật đầu.

Như vậy, cuộc đối thoại Pakistan - Ấn Độ sắp diễn ra đã nhận được sự ủng hộ không chỉ từ chính phủ Nawaz Sharif mà còn từ lực lượng quân đội hùng mạnh.

Vẫn còn đó không ít bất đồng sâu sắc, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến công du “ngẫu hứng” của Modi hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới tươi sáng hơn cho quan hệ Ấn Độ - Pakistan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ