Đang dùng thuốc, cần ăn uống thế nào?

Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh nếu không để ý có khi vô tình làm cho thức ăn, đồ uống gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. 

Đang dùng thuốc, cần ăn uống thế nào?

Vậy khi dùng thuốc nên ăn uống như thế nào để có lợi cho việc dùng thuốc và tránh những tác hại bất lợi do thực phẩm gây ra cho thuốc.

Thức ăn có thể làm thay đổi hấp thu thuốc

Dạ dày không phải là nơi có chức năng hấp thu của bộ máy tiêu hoá. Tuy vậy do pH của dạ dày rất acid, khi đói pH khoảng 1 và pH >=3 khi no nên cần lưu ý: uống thuốc lúc đói, thuốc chỉ lưu lại trong dạ dày khoảng 10 - 30 phút, uống thuốc vào lúc no, thuốc bị giữ lại trong dạ dày từ 1-4 giờ.

Những thuốc ít tan sẽ có thời gian để tan, khi xuống ruột sẽ được hấp thu nhanh hơn, ví dụ penicillin V. Những thuốc dễ tạo phức với những thành phần của thức ăn sẽ bị giảm hấp thu, ví dụ tetracycline tạo phức với Ca 2+. 

Các thuốc kém bền trong môi trường acid như ampicillin, erythromycin nếu bị giữ lâu trong dạ dày sẽ bị phá hủy nhiều cho nên cần uống khoảng 3 - 4 giờ sau ăn. 

Còn những thuốc gây kích ứng đường tiêu hóa phải uống lúc no, chẳng hạn nhóm corticoid như prednisolon, dexamethason... hay nhóm kháng viêm không steroid như diclofenac, celecoxib, meloxicam... 

Các dạng bào chế khác nhau cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc. Viên nén aspirin uống sau khi ăn sẽ bị giảm hấp thu 50%, còn dạng sủi bọt lại được hấp thu hoàn toàn.

Tương tác của đồ uống với thuốc

Sữa: chứa caseinat calci. Nhiều thuốc tạo phức với calci của sữa sẽ không được hấp thu, ví dụ muối sắt, lincomycin, tetracyclin. Những thuốc dễ tan trong lipid sẽ tan trong lipid của sữa, sẽ chậm được hấp thu, ví dụ các vitamin A, D, K, E. 

Còn protein của sữa cũng gắn vào thuốc, làm chậm sự hấp thu. Ngoài ra, cũng nên lưu ý sữa có pH khá cao (tính kiềm) nên làm giảm sự kích ứng dạ dày của các thuốc có bản chất là acid.

Nước: là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương tác khi hòa tan thuốc. Nước là phương tiện để dẫn thuốc vào dạ dày và ruột, làm tăng tan rã và hòa tan hoạt chất, làm thuận lợi cho việc hấp thu. 

Vì vậy cần uống đủ nước, từ 150 - 200ml cho mỗi lần uống thuốc để tránh viên thuốc đọng lại thực quản gây kích ứng hay loét thực quản như viên alendronat trị loãng xương.

Uống nhiều nước trong quá trình dùng thuốc, từ 1.500 - 2.000ml để làm tăng tác dụng của thuốc như các loại thuốc xổ; để làm tăng thải trừ và làm tan các dẫn xuất chuyển hóa của thuốc như cyclophosphamid và sulfamid. 

Trái lại, chỉ uống ít nước hơn bình thường để duy trì nồng độ thuốc cao trong ruột khi uống thuốc tẩy giun sán (albendazol, mebendazol). Nên nhớ không được dùng nước ngọt đóng hộp, nước hoa quả để uống thuốc vì có thể gây hỏng thuốc hay gây hấp thu thuốc quá nhanh.

Trà, cà phê: chất tanin trong trà gây tủa các thuốc có chứa sắt. Chất cafein trong cà phê và trà gây tủa thuốc aminazin, haloperidol khiến giảm hấp thu; ngược lại cafein làm tăng hòa tan ergotamine khiến dễ hấp thu. Một lưu ý nữa là chất cafein trong trà và cà phê làm tăng tác dụng của thuốc hạ sốt giảm đau aspirin, paracetamol (acetaminophen).

Rượu: có rất nhiều ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, sự hấp thu của đường tiêu hóa, hệ tim mạch. Ở người nghiện rượu có tình trạng giảm protein máu, suy chức năng gan, nhưng lại gây cảm ứng men chuyển hóa thuốc của gan (men cytochrom P450), vì thế rượu có tương tác với rất nhiều thuốc và các tương tác này đều là bất lợi. 

Vì vậy, khi uống thuốc thì không nên uống rượu. Nếu người nghiện rượu cần phải uống thuốc thì phải được xét nghiệm chức năng gan (ví dụ men gan) để chọn thuốc và chọn liều cho phù hợp. Cũng nên nhắc nhở trong thời gian uống thuốc phải ngừng uống rượu. 

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ