Dấn thân vào giáo dục

Dấn thân vào giáo dục

(GD&TĐ) - Gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn núi cao, tôi đã hiểu thế nào là giá trị của sự dấn thân cống hiến, hy sinh vì cộng đồng.

Cô Trịnh Kim Quế dạy học ở bản Co Cài, xã Trung Lý, huyện nghèo miền núi biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
Cô Trịnh Kim Quế dạy học ở bản Co Cài, xã Trung Lý, huyện nghèo miền núi biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ, thán phục ở cô giáo Quế, người con gái có thân hình mảnh khảnh, kém tôi đến 20kg cân nặng ấy chính là khả năng chạy xe máy rất cừ khôi. Có lẽ đó cũng là một sự thích nghi tự nhiên với hoàn cảnh sống. Đường vào bản Co Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nơi cô Quế dạy học khó đi và cực kỳ hiểm trở.

Dù là dân “phượt” rừng chính hiệu, tôi vẫn phải chấp nhận cô giáo Quế cầm lái để đảm bảo an toàn. Xe chúng tôi như nhảy tưng tưng trên đoạn đường đầy những viên đá to như quả bưởi, lổn nha lổn nhổn. Chẳng hề nao núng, lúc cô Quế thốc ga vượt dốc cao, khi cô dìm số men xe bên vực thẳm, lúc lại rạp mình trong những khúc cua tay áo rợn người… cô vượt qua tất cả. Cô Quế nói như động viên tôi “may là hôm nay không gặp mưa rừng đấy, chứ gặp mưa thì chỉ có nước bỏ xe ven rừng mà đi bộ, mưa nhỏ thì gần sáng vào tới đây, mưa to thì mặc áo mưa đứng ôm cây chờ trời sáng vì nước lớn ta không thể qua suối. Em gặp trường hợp ấy mấy lần rồi”.

Trái ngược với cái tên mĩ miều, đầy sức sống có nghĩa là Mùa Xuân - Co Cài chưa có điện lưới, không sóng điện thoại. Với tôi, cái cảm giác lần đầu tiên sống trong cảnh không điện, không ti-vi, không ra-đi-ô, không internet, không điện thoại… thật là khủng khiếp. Ấy vậy mà cô Quế - một người con gái thành phố chính hiệu đã sống trong những hoàn cảnh như thế tới mười năm rồi. Lúc đầu lên với vùng cao, không ít giáo viên cũng chỉ coi đó là một chuyến du lịch để nếm trải, để thử thân, nếu không trụ được thì bỏ, về xuôi xin việc khác. Tuy nhiên, càng làm càng yêu nghề, yêu học trò, sự gắn bó tự nhiên cô - trò đã khiến nhiều giáo viên không nỡ dứt tình bỏ đi. Cô giáo Quế là một người như thế.

Dĩ nhiên, dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, ở cái huyện nghèo nhất xứ Thanh sẽ thiếu thốn đủ điều. Mọi phương tiện hỗ trợ giảng dạy như máy tính, máy chiếu các cô ở Co Cài đều “nhường” cho đồng nghiệp ở nơi khác. Cô Quế cười bảo “không có điện sử dụng, có lấy máy về cũng đem bỏ trong kho cho kiến làm tổ thôi, bọn em nhường hết máy móc cho đồng nghiệp rồi”. Đồ dùng hàng ngày từ gạo ăn, bánh xà phòng đến hạt muối… tất cả các cô giáo ở Co Cài phải mua tận xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), cách trường khoảng 30km.

Mỗi tuần một vài lần các cô phân công nhau vượt rừng đi mua hàng. Miến, mì tôm và trứng là những thực phẩm phổ biến nhất của các cô giáo cắm bản vì nó dễ dự trữ. Những ngày mưa kéo dài không thể đi mua hàng, lương thực dự trữ hết, các cô chỉ còn biết lấy rau rừng cầm hơi. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con, cô Quế yêu học sinh như con, quý đồng nghiệp như anh em ruột thịt. Sáng thứ 7 nào cũng vậy, cô Quế lại dậy sớm nấu cơm, tranh thủ ăn no cái bụng để vượt quãng đường rừng hơn 7km đến điểm “có sóng” để gọi điện thoại về nhà. Phải xa con mình để đi lên núi chăm sóc, dạy dỗ con người khác, có lẽ cô Quế cũng day dứt lắm. Vì thế mà những chuyến chạy xe băng rừng về xuôi thăm con của cô Quế rất đều đặn, dù phải chạy xe gần 400km (cả đi và về) chỉ để được ngủ với con một đêm.

Mỗi lần thấy ai đó “hết hồn” chia sẻ trên Facebook, kiểu “Trời ơi kinh khủng quá, mặt mình mọc cái mụn cá” hay “hôm nay đi siêu thị mua hết mấy triệu tiền quần áo, giày dép mà về đến nhà thử lại dùng được có vài cái, còn lại vứt hết”… tôi lại nhớ đến những giáo viên cắm bản, những người chịu cảnh sống thiệt thòi mà chẳng hề kêu ca. Những người chưa có cơ hội “lướt web”, đọc báo điện tử, xem phim ở rạp hay đơn giản chỉ là uống một cốc nước chanh mà có viên đá lạnh vào những lúc oi bức. Các cô, những giáo viên chẳng biết và chẳng hề quan tâm đến “công nghệ” làm đẹp: Lột da mặt, tắm trắng toàn thân, đánh tan mỡ bụng… Các cô chẳng nghĩ gì lớn lao cho bản thân mình, chỉ chăm chăm nỗi lo thường trực “mong sao học sinh đừng bỏ học giữa chừng”. Sự dấn thân cống hiến, hy sinh âm thầm của những giáo viên cắm bản đã góp phần lớn xua đi sự lạc hậu, cởi trói cái nghèo đói đang quấn chặt lấy đồng bào ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Xin gửi tới các cô - những giáo viên cắm bản lời chúc chân thành dù hôm nay không phải là ngày 20/11. Mong các cô luôn giữ vững niềm tin, sự nhiệt huyết, dồi dào sức khỏe để tiếp tục cho sự nghiệp trồng người. Cũng xin cảm ơn các cô - những người đã cho tôi biết thế nào là giá trị của sự dấn thân cống hiến, hy sinh vì cộng đồng.

Hoàng Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ