Tôi thần tượng mê mệt một chị bạn sinh ra hai em bé sinh đôi. Chị là tiến sĩ, bảo vệ luận án ở hội đồng quốc tế hẳn hoi, gần 40 tuổi rồi mới sinh con. Và chị bỏ hết công việc kiếm tiền, ở nhà chăm con chị, dự định cho đến tận khi hai bé vào lớp một.
Con chị thông minh lắm, không phải chỉ bởi có gien của mẹ, mà quan trọng hơn, một tay chị đã dạy con chu đáo, không hề nhờ vả ông bà nội ngoại hay giúp việc.
Chị dạy con từ việc vẽ tranh đến việc tìm hiểu về thế giới xung quanh, học ngoại ngữ và làm những tấm thiệp ngộ nghĩnh mừng năm mới. Giờ học nào của mẹ con chị cũng vui.
Bữa ăn nào của nhà chị cũng ngon và đẹp như nhà hàng, dù chi phí thì tiết kiệm đến mức tối đa có thể. Chỉ có những người đàn ông kém cỏi mới dám coi thường một người "coi bếp" như thế thôi, thật đấy!
Ai đó sẽ phản biện rằng, đâu phải ai cũng có bằng tiến sĩ, đâu phải ai cũng sinh con ở tuổi gần 40, đâu phải ai cũng có tài khoản kha khá ở ngân hàng để yên tâm ở nhà với con.
Nhưng tôi cá rằng đâu phải ai cũng từ bỏ cơ hội làm việc và định cư ở nước ngoài, khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao để ở lại Việt Nam và sinh con, để mong con được nghe tiếng Việt.
Đâu phải ai, sau khi đã chu du khắp nơi trên thế giới cũng chấp nhận bế con về quê, sống trong ngôi nhà của bố mẹ chồng, vừa chăm sóc bố mẹ chồng già yếu vừa chăm con, với biết bao nhiêu điều khác biệt giữa hai thế hệ, để chồng đỡ áp lực thuê nhà thành phố, để ông bà được gần cháu nội.
Một người phụ nữ trẻ với đồng lương còm ở nhà đã khó. Một người phụ nữ ở đỉnh cao, dám bỏ tất cả để 6 năm sau làm lại từ đầu, ai khó khăn và căng thẳng hơn ai?
Thật ra, những hệ lụy tăm tối của việc phụ nữ không có đóng góp cho gia đình dưới dạng những đồng tiền cụ thể, lại không phải là vấn đề của việc "đàn bà coi bếp".
Nó là cái sự hèn nhát, xấu tính của những người "đàn ông coi nhà". Có nghĩa, nếu những người "đàn ông coi nhà" đã xấu, đã để cho người "đàn bà coi bếp" của mình phải chịu thiệt thòi, thì lỗi là ở đàn ông đã coi nhà theo cách vô trách nhiệm.
Và phần tiếp theo, là ở phía những người đàn bà chưa biết dũng cảm bảo vệ sự "coi bếp" của mình. Chứ không phải là ở chỗ những người đàn bà đừng "coi bếp" nữa.
Nhưng điều khác biệt cũng là ở chỗ, sau 6 năm trông con, người phụ nữ tiến sĩ, có bằng đắt giá, có mối quan hệ rộng, bắt đầu lại, dù sao cũng dễ dàng hơn một người phụ nữ chỉ có bằng đại học (đang nhan nhản ngoài thị trường lao động). Vì thế, có người sẵn sàng ở nhà 6 năm liền nhưng có rất nhiều người không dám.
Vậy thì cuối cùng, ý của tôi là gì? Là đàn bà, thì nên "coi bếp", chuyện ấy hiển nhiên rồi. Nếu người chồng không coi trọng cái sự coi bếp ấy, thì vấn đề là cần dũng cảm để từ bỏ ông chồng!
"Coi bếp" không phải là ta không thể tham gia vào xã hội. Không phải là ta trở thành "cái niêu đất" khô cong. Ta cứ ra ngoài xã hội mà học hỏi nhiệt tình, vươn lên mạnh mẽ.
Quan trọng, là ta hãy coi việc bước ra xã hội, như một niềm vui. Phải vui, đủ vui, để ta cười tươi, xinh đẹp và hạnh phúc. Phải vui để ta miệt mài mà không thấy ta quá tải, áp lực và mệt mỏi.
Phải vui, ta mới có thành quả vững chắc mà không phải trả những cái giá quá đắt cho hạnh phúc. Vui cũng có nghĩa là cần dũng cảm để biết, để lựa chọn, gìn giữ và buông bỏ những gì không xứng đáng. Qua tất cả, phải để niềm vui của ta lên hàng đầu.
Nói cách khác, thì kiếm tiền, tranh luận về chính trị - xã hội hay chế tạo tàu vũ trụ, chẳng qua, chỉ là thú vui, trong lúc chờ cơm chín. Nhưng nó phải thực sự khiến đàn bà vui. Để cơm chín rồi, ăn cơm xong, bắc nồi cơm tiếp theo, ta lại đi làm. Đi làm, vì ta vui...