(GD&TĐ) - Hơn tháng trước, người nuôi cá tra chưa kịp vui mừng khi giá cá có dấu hiệu tăng trở lại thì mấy ngày qua giá cá tra đã quay đầu giảm mạnh từ 500 – 1.500 đồng/kg, hiện chỉ còn ở mức 22.000-23.500 đồng/kg. Điều này càng nghịch lý hơn khi các chuyên gia đều khẳng định hiện nguồn cá tra nguyên liệu so với nhu cầu chế biến xuất khẩu đang thiếu.
Nông dân lỗ cả khi thiếu cá
Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng (Tiền Giang) cho biết, hiện cá tra nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được các thương lái mua với giá dao động trong khoảng 22.000 - 23.500 đồng/kg (tùy chất lượng cá), giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tuần trước. Với giá thành nuôi cá tra bình quân hiện nay khoảng 23.000 đồng/kg, người nuôi có tra lại tiếp tục bước vào giai đoạn thua lỗ.
Nguồn cá tra nguyên liệu thiếu so với nhu cầu chế biến xuất khẩu nhưng giá cá lại giảm (Ảnh chụp tại xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh TG). |
Tương tự như vậy, người nuôi cá tra tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long… cũng đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn khi giá cá giảm từ 500 – 1.500 đồng/kg so với tuần trước, hiện ở mức 20.000 – 24.500 đồng/kg (tùy địa phương và chất lượng cá).
Trong khi đó, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý 1/2012, sản lượng cá tra nguyên liệu các tỉnh ĐBSCL đạt 300 ngàn tấn nhưng chỉ có 128 ngàn tấn cá tra đã được các doanh nghiệp thu mua từ những hộ nuôi độc lập. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu riêng bằng cách tổ chức nuôi hoặc hợp đồng gia công với nông dân. Hiện tại Tiền Giang có hơn 70% diện tích nuôi cá tra là vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, Bến Tre có tới 90%, Đồng Tháp gần 62%, Vĩnh Long hơn 46%.
Khi doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn do thắt chặt tín dụng, đương nhiên họ sẽ ưu tiên bắt cá nhà thay vì mua cá trong dân, chỉ có những doanh nghiệp chưa có vùng nguyên liệu hoặc có vùng nguyên liệu nhưng chưa đủ bắt buộc phải mua cá bên ngoài. Theo ước tính của VASEP, hiện nay sản lượng cá tra còn trong dân chỉ khoảng 200 ngàn tấn (chiếm hơn 15% sản lượng cá tra cần thiết trong năm 2012), trong khi doanh nghiệp chỉ mới chủ động được gần 60% nguyên liệu.
Mặt khác, thời gian qua có nhiều thời điểm giá cá tra thấp dưới giá thành sản xuất, người nuôi cũng vấp phải những khó khăn về vốn nên một phần không nhỏ diện tích ao nuôi cá tra đã “treo” hay chuyển sang nuôi đối tượng khác dẫn đến diện tích và sản lượng cá tra giảm. Ông Lê Thanh Dung cho biết, sản lượng cá tra tới lứa thu hoạch của HTX và bà con khu vực này không còn nhiều, mỗi tuần chỉ có 200 - 300 tấn cá thu hoạch.
Từ hiện trạng trên có thể nói nguồn cá tra nguyên liệu trong dân từ này đến cuối năm vẫn thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu thu mua chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt, Phó chủ tịch VASEP, cá tra nguyên liệu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian tới. Hiện giá cá nguyên liệu rẻ nhưng doanh nghiệp không có tiền mua.
Giá cá giảm do thắt chặt tín dụng
Thiếu, vậy thì tại sao giá cá tra lại giảm? Điều này được nhiều chuyên gia giải thích rằng, khó khăn về vốn do chính sách thắt chặt tín dụng khiến doanh nghiệp không có tiền mua cá.
Ông Dương Ngọc Minh nhận định, ngành cá tra Việt Nam hiện vẫn giữ thế độc tôn trên thị trường thế giới nhưng lại đang gặp khó trên sân nhà do giá thấp, mà nguyên nhân xuất phát từ thắt chặt tín dụng. Hiện nay, chỉ có 20% doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phát triển và 80% còn lại có khó khăn, trong đó có 30% trong tình trạng hấp hối. Nguyên nhân là do sự phát triển nóng ngành cá tra từ năm 2008 đến nay, các khoản vốn vay dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp đều lệ thuộc vào ngân hàng, cùng với lãi suất cao từ quý 4/2011 đến nay làm cho doanh nghiệp suy yếu, dẫn đến tình trạng lỗ lã, thậm chí phá sản.
Theo ông Minh, ngân hàng đóng vai trò chính trong việc bóp chết xuất khẩu trong thời gian qua và thậm chí trong thời gian tới. Lý do là sau chống lạm phát và tín dụng, ngân hàng thu hồi vốn, và tín dụng cho các nhà chế biến xuất khẩu trong năm 2012 giảm. Điều này buộc các doanh nghiệp bán hàng ra để trả nợ ngân hàng tránh đáo hạn, nông dân cũng bán cá nhanh vì bị thắt chặt tín dụng. Đây là nguyên nhân chính khiến giá cá giảm (giá xuất khẩu và cá nguyên liệu) chứ không phải do suy giảm kinh tế, khó khăn tại thị trường Châu Âu.
Phân tích sâu hơn về việc giảm giá cá nguyên liệu thời gian qua, một số chuyên gia ngành cá tra cho rằng chính là do yếu tố tâm lý của người nuôi cá. Trước thông tin nợ nần của công ty Bình An và sự phá sản của một số công ty trong ngành, nông dân lo không có người mua cá và lo ngại bán thiếu cho doanh nghiệp sẽ khó đòi nên sẵn sàng bán thấp hơn 300 - 500 đồng/kg so với giá thị trường để yêu cầu doanh nghiệp trả tiền ngay.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), việc giảm giá do yếu tố tâm lý này không chỉ ảnh hưởng đến nông dân nuôi cá mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, thậm chí tới cả nhà nhập khẩu và phân phối nước ngoài. Do giá cá tra Việt Nam giảm liên tục trong thời gian qua nên các nhà nhập khẩu và phân phối sợ sau khi ký hợp đồng xong giá cá sẽ tiếp tục giảm, vì vậy họ chưa an tâm ký những hợp đồng lớn và dài hạn.
Trước tình hình giá cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đang thiếu, chính sách tiền tệ mở rộng hơn, thị trường yêu cầu cá tra nhiều kích cỡ khác nhau (nhất là cá trên 1 kg/con), cộng với việc các nhà nhập khẩu cá tra ở EU, Mỹ, Brazil sẵn sàng ra giá cao hơn để mua cá tra khi biết nguồn cá tra nguyên liệu tại Việt Nam đang thiếu hụt, VASEP khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, chủ động giữ cá lại cho lớn thêm và đợi giá cá tăng trên 25.000 đồng/kg hãy bán.
Thành Công