Dân khổ vì dự án thủy điện “treo”

GD&TĐ - Hơn 700 ha đất sản xuất của người dân hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã được lấy để phục vụ cho các dự án thủy điện. 

Khu vực được chọn làm thủy điện Thượng Nhật
Khu vực được chọn làm thủy điện Thượng Nhật

Tuy nhiên hơn 8 năm qua, các dự án thủy điện có số vốn đăng ký xây dựng trên 1.000 tỷ đồng vẫn “án binh bất động”. Điều này khiến cuộc sống của người dân tại các địa phương này gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Mất đất sản xuất

Đến thực tế tại nơi được quy hoạch làm thủy điện Thượng Nhật tại xã Thượng Nhật (Nam Đông) dễ dàng nhận thấy đó là khu vực được “thiết kế” để làm thủy điện từ năm 2005 nhưng đến nay mới chỉ có một con đường đất và một cây cầu nhỏ. 

Trong lúc đó theo UBND xã Thượng Nhật, dự án thủy điện này được cấp phép trên điện tích 230 ha đất trồng cao su, rừng keo và hoa màu của hơn 200 hộ dân trong xã. 

Do quy hoạch đất dùng làm để làm lòng thủy điện dẫn đến việc bà con không thể canh tác trên phần đất đang chờ đền bù. Quá trình thực tế chúng tôi được biết từ khi dự án thủy điện Thượng Nhật được triển khai đến nay, phía chủ đầu tư chỉ mới thực hiện việc đền bù đất đai và tài sản trên đất với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho 99 hộ dân. 

Ngoài ra, hơn 100 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy điện vẫn chưa nhận đền bù, dù đã giao đất. Trong đó số các hộ ở thôn 2,3,4 chiếm tỷ lệ nhiều nhất. 

Ông Lê Quang Hòa - Người dân ở thôn 3 - bức xúc kể: “Từ năm 2005 khi nghe tin có dự án thủy điện đến triển khai tại địa phương bà con lúc đầu ai cũng phấn khởi, chấp nhận giao đất ở khu vực lòng hồ cho dự án. Gia đình tôi mất gần 3 ha đất, vậy mà hơn 8 năm qua không nghe chủ dự án nhắc đến việc bồi thường, hỗ trợ cho gia đình”. 

Tương tự hoàn cảnh ông Tuấn, ông Nguyễn Ngọc Đoàn trú ở thôn 2 mất gần hết diện tích đất trồng keo lai và cao su. Dự án “trùm mền” dai dẳng khiến sản xuất của gia đình ông Đoàn đình trệ. 

“Gia đình tôi không thể phát triển sản xuất trên đất từ đó đến nay vì đất và cây cối đã được kiểm kê để chờ đền bù. Gần 10 năm trời vợ chồng tôi phải khốn khổ làm thuê để nuôi 5 đứa con ăn học”.

Ngoài Dự án thủy điện Thượng Nhật, nhiều dự án thủy điện khác trên địa bàn Thừa Thiên - Huế sau khi được cấp phép thời gian dài cũng được triển khai với tiến độ “rùa bò”. 

Đơn cử như Dự án thủy điện A Lin B1, do Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận vào năm 2008, được xây dựng tại các xã Hồng Vân, Hồng Trung (A Lưới) và Phong Xuân (Phong Điền). 

Dù là thủy điện có quy mô vừa và nhỏ nhưng dự án thủy điện A Lin B1 đã và đang làm cho 242 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú 2 ở xã Hồng Vân rơi vào cảnh mất đất sản xuất. Sau hơn 4 năm từ ngày khởi công, dự án thủy điện này vẫn chưa rõ hình hài.

Dự án thủy điện 8 năm mới chỉ làm được cái cầu nhỏ
 Dự án thủy điện 8 năm mới chỉ làm được cái cầu nhỏ

Bao giờ hết “treo”?

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, tỉnh, cử tri xã Thượng Nhật đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án thủy điện Thượng Nhật để trả lại đất cho người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh cho biết dự án đang tạm thời ngừng xây dựng và không cho biết sẽ ngừng trong thời gian bao lâu... 

Trong lúc đó đối với thủy điện A Lin B1 chậm tiến độ, theo cam kết thực hiện dự án được UBND tỉnh gia hạn (hoàn thành quý III năm 2014). Qua kiểm tra thực tế nhà đầu tư đã xây dựng một số hạng mục (thực hiện xong cơ bản công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chi phí đã giải ngân cho dự án khoảng 100 tỷ đồng).

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đến nay nhà đầu tư đã tìm được đối tác có khả năng tài chính và kinh nghiệm đầu tư (Công ty Cổ phần Thủy điện Gia Lai). 

Nếu nhà đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Do đó Sở KHĐT đang kiến nghị UBND cho phép nhà đầu tư được gia hạn tiến độ triển khai thực hiện dự án với điều kiện nhà đầu tư cam kết ký quỹ, đảm bảo thực hiện dự án theo quy định. 

Theo ông Lê Đình Khánh - Phó Giám đốc Sở KHĐT, do chủ đầu tư khó khăn về nguồn lực nên dự án này bị chậm tiến độ so với cam kết. 

“Vừa rồi, chúng tôi đã đi khảo sát và yêu cầu nhà đầu tư cam kết và tìm đối tác hỗ trợ về tài chính. Chủ đầu tư đã có văn bản gửi cho tỉnh để xin xem xét cho gia hạn dự án”- Ông Khánh nói. 

Ngoài ra Sở KHĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời giải quyết những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ