(GD&TĐ) – Tại Moscow, Nga - Iran có cuộc đàm phán “căng thẳng và khó khăn” với 6 cường quốc thế giới đang lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này, tuy nhiên không có tiến triển rõ ràng nào để chấm dứt tranh cãi kéo dài cả thập kỷ đang có nguy cơ tạo ra một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.
Một phát ngôn viên của người đứng đầu đoàn đại biểu đàm phán với Iran giữ hy vọng có được kết quả vào hôm 19.6, ngày đàm phán thứ 2 cũng là ngày đàm phán cuối cùng.
Bà Catherine Ashton (trái) gặp gỡ trưởng đàm phán của Iran Saeed Jalili tại Moscow |
“Chúng tôi đã có cuộc trao đổi quan điểm căng thẳng và khó khăn” – phát ngôn viên Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách nước ngoài của Liên minh châu Âu cho biết.
Trong 5 giờ đàm phán trong một khách sạn ở Moscow, Iran – quốc gia cho rằng các hoạt động hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình – muốn tập trung vào việc nới lỏng các cấm vận và sự thừa nhận quyền làm giàu uranium của mình, một điều khiện mà theo các nhà ngoại giao thì Mỹ và EU khó có thể chấp nhận.
Một nhà ngoại giao phương tây có mặt tại thủ đô nước Nga nói “Chúng tôi chưa đạt được thỏa thuận nhưng nó còn phức tạp hơn thế. Chúng tôi chưa đi đến cuối cuộc đàm phán”.
Một loạt nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kể từ 2006 đã yêu cầu Iran ngừng tất cả các hoạt động liên quan tới việc làm giàu uranium do những lo lắng về bản chất của chương trình hạt nhân.
Không những không ngừng làm giàu uranium – một quá trình tinh chế uranium để làm nhiên liệu, nếu được làm tới mức cao hơn sẽ thành nhiên liệu hạt nhân – Iran đã tăng cường hoạt động của mình.
Lệnh cấm vận mới của Mỹ và EU đã có hiệu lực trong 2 tuần, Israel đã đe dọa đánh bom Iran nếu không có giải pháp cho cuộc tranh chấp và thị trường dầu mỏ cũng bấp bênh vì sự căng thẳng này.
Tuy nhiên, có một dấu hiệu khả quan từ cuộc đàm phán mà các nhà đàm phán Iran đưa ra, đó là Tehran ít nhất đã sẵn sàng bàn bạc về việc làm giàu uranium ở mức độ cao hơn.
Đầu năm 2010, Iran tuyên bố đã bắt đầu làm giàu uranium lên 20%, mức cao hơn mức độ cần để tạo ra điện và một số chuyên gia cho rằng đây là bước nguy hiểm tiến tới việc chế tạo nhiên liệu hạt nhân.
Tại Iran, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nói rằng Tehran sẽ chuẩn bị ngừng làm giàu uranium tới mức cao hơn nếu 6 cường quốc đồng ý cung cấp nhiên liệu mà một lò phản ứng ở Tehran cần để tạo ra các chất đồng vị trong y tế. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Ahmadinejad có ảnh hưởng mức nào tới các cuộc đàm phán và liệu đây có phải là lời tuyên bố của ông về vị trí của Tehran hay không.
Hà Châu (Theo Reuters)