Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân

(GD&TĐ) - Làm thay da đổi thịt những ngôi trường vùng khó, với nhiều cán bộ quản lý giáo dục, bí quyết chỉ nằm ở 10 chữ: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân”.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thêm cùng giáo viên trường mầm non Đất Mũi đưa học sinh đi thi Bé khỏe – Bé ngoan bằng đường thủy cách trường 30 km
Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thêm cùng giáo viên trường mầm non Đất Mũi đưa học sinh đi thi Bé khỏe – Bé ngoan bằng đường thủy cách trường 30 km

Sẵn sàng đối mặt với khó khăn

Tháng 8/1989, chị Quản Mai Thanh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường mầm non đầu tiên của huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Ngôi trường chỉ có một ngôi nhà cấp 4, 2 lớp mẫu giáo, 1 nhóm trẻ ghép các độ tuổi, 8 cô giáo chỉ được vài ba được đào tạo qua sơ cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn.

Việc làm đầu tiên của tân hiệu trưởng là tham mưu với ngành, UBND huyện làm thêm 3 phòng học; vận động các ban ngành hỗ trợ, phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi. Rèn đội ngũ, chị thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyên môn.

Chị Thanh tâm sự: Lúc đầu chị em không hứng thú gì, bởi họ đang quen với cách làm tự do. Nhưng không nản lòng, miệng nói tay làm, tôi động viên khích lệ chị em làm theo. Thông cảm, thấu hiểu từng hoàn cảnh, tôi động viên mọi người giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm bám trường, bám lớp.

Cứ thế, tất cả những mặc cảm, băn khoăn dần lùi xa. Phụ huynh tin tưởng và gửi con ngày càng nhiều. Trường lớn mạnh dần lên và đến nay đã có tới 6 nhóm trẻ, 9 lớp mẫu giáo với 430 cháu được phân chia độ tuổi theo quy định. Nhiều gia đình cách trường gần 3 km vẫn sớm chiều đưa con tới lớp, từ chỗ không có tên tuổi nay trường đã được nhiều nơi biết đến.

8 năm làm nhiệm vụ quản lý ở một trường vùng sâu, vùng xa trên huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng), trường cách xa nhà cả đi và về hàng ngày trên 50 km đường núi dốc, nhưng chị Tô Thị Khâm đã cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ giáo viên đưa Trường PTCS xã Gia Luận nghèo nàn thay đổi toàn diện bằng công tác xã hội hóa. Hiện nay trường đã có 1 phòng máy vi tính để học sinh vùng sâu, xa tiếp cận được CNTT trong dạy và học.

Năm 2010, được chuyển về Trường THCS thị trấn Cát Bà, với trên 11 năm làm quản lý, chị Khâm cho rằng, người hiệu trưởng đóng nhiều vai trò, vừa là nhà giáo, nhà quản lý, vừa là nhà lãnh đạo. Hiệu trưởng là nhà giáo, đó là điều kiện cần; nhà quản lý là điều kiện đảm bảo kỷ cương và thực thi nhiệm vụ; nhà lãnh đạo là điều kiện làm cho nhà trường đổi mới và phát triển.

Bản thân chị luôn quan tâm xây dựng đội ngũ sư phạm vững mạnh, tạo được tập thể đoàn kết, có chế độ động viên, khen thưởng phù hợp đối với cán bộ giáo viên và học sinh. Cùng với đó, chị chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục, tạo sự vào cuộc của các Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường và các lớp trong công tác phối kết hợp giáo dục học sinh....

Từ một cán bộ quản lý ở một thị trấn khá đầy đủ các phương tiện dạy học, chị Nguyễn Thanh Thêm làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo Phòng GD&ĐT về Đất Mũi để mở trường lớp mẫu giáo. Khi đó, chưa có lớp học, chị tham mưu UBND xã tạo điều kiện cho mượn một phòng của trụ sở ủy ban cũ với 36 m2 làm nơi nuôi dạy học sinh. Không sân chơi, không hàng rào, không cây xanh bóng mát, ban ngày là lớp học, tối đến là nơi nghỉ và sinh hoạt.

Chị Thêm nhớ lại: Những năm đầu chỉ có một mình, để có học sinh đến lớp tôi phải đi đến từng nhà bà con để tuyên truyền, vận động họ đưa các cháu đến trường. Được 24 trẻ đến lớp, lớp học mầm non đầu tiên, tôi vui đến rơi nước mắt nhưng cũng lo lắng không sao ngủ được, bởi điều kiện ở đây khó khăn quá. Nhưng khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là nhận thức của chính quyền cũng như bà con nơi đây.

Ấy vậy mà, sau 13 năm, bằng ý chí, quyết tâm, chị đã gây dựng tại Đất Mũi một ngôi trường mầm non khang trang với 5 phòng học 8 CBGV và 123 trẻ có sân chơi bóng mát. Chị Thêm tâm sự: Thành công nhiều mặt phụ thuộc ý chí và lòng quyết tâm. Với nghề dạy học phụ thuộc, một trong những yếu tố quan trọng của thành công là nghệ thuật sư phạm. Nghệ thuật đó nó không tự đến mà là do chính mình rèn luyện, nâng cao tay nghề bằng sự kiên nhẫn, góp nhặt những kinh nghiệm. Và kinh nghiệm chỉ rằng: Nơi nào các nhà giáo giữ được quy tắc vững vàng thì ở đó tạo ra điều kiện tốt nhất để giáo dục.

Quang cảnh trường mầm non Đất Mũi sau 2 năm hoạt động
Quang cảnh trường mầm non Đất Mũi sau 2 năm hoạt động

Lãnh đạo nhà trường phải là người đi đầu

Cô Nguyễn Thị Lan – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Quảng Đức (Hải Hà, Quảng Ninh) - cho rằng, lãnh đạo nhà trường phải đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong điều kiện trường vùng cao có học sinh bán trú, lãnh đạo nhà trường đã cùng tập thể giáo viên ở, sinh hoạt tại trường trong ngày làm việc, cùng học sinh tổ chức các hoạt động tập thể. Điều đó đã tạo được sự thân thiện giữa thầy và trò, sự đồng thuận, đoàn kết trong tập thể sư phạm nhà trường – yếu tố quan trọng để nhà trường ổn đinh, phát triển.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (M’Drăk, Đăk Lăk) Võ Đăng Mỹ Hảo tâm sự: Là những người cán bộ quản lý, chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để trường mình, một trường ở vùng xa miền núi, thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều, theo kịp với yêu cầu, sự phát triển của ngành nói riêng và xã hội nói chung. Chúng tôi luôn xác định rằng để thực hiện nhiệm vụ phải có sự vận dụng linh hoạt, sự tổ chức quản lý năng động dựa vào điều kiện thực tiễn mà mình có.

Với Hiệu trưởng Trần Thị Năm (Trường TH số 1 Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị) việc làm thế nào để quản lý dạy học ở vùng khó có hiệu quả - Đó là nỗi băn khoăn day dứt đối với người làm công tác quản lý, đặc biệt là quản lý học sinh tiểu học ở vùng khó khăn.

Với 30 năm kinh nghiệm, Hiệu trưởng Trần Thị Năm cho rằng, tham gia giáo dục không chỉ là hoạt động của đội ngũ giáo viên mà còn là sự phối hợp chặt chẽ đầy trách nhiệm của gia gia đình- nhà trường - xã hội, vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và toàn dân về giáo dục là vô cùng quan trọng.

Đứng trước tình hình chất lượng đầu vào thấp, để nâng cao chất lượng dạy và học, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) Đặng Thị Nhâm đã cùng tập thể lãnh đạo, giáo viên căn cứ vào điểm thi của ba môn và kết quả cuối năm lớp 9 để làm cơ sở phân loại và phân lớp học sinh.

Học sinh khá giỏi vào học các lớp nâng cao ba môn toán, lý, hoá; học sinh yếu kém có điểm trung bình các môn thi dưới ba vào một lớp, số còn lại được phân đều ở các lớp. Sau một năm, khi các em đủ điều kiện lên lớp sẽ xoá lớp này, phân trộn vào các lớp cơ bản.

Phương pháp dạy học bám sát, phù hợp đối tượng học sinh được nhà trường coi trọng, theo đó, học sinh được dạy cách học, cách tự học, cách tư duy bằng những hướng dẫn cụ thể như cách đọc sách, cách ghi chép, trích dẫn, mở rộng, bằng hệ thống câu hỏi dẫn dắt, hệ thống bài tập phù hợp với học lực của từng em.

Đối với học sinh lớp chọn, ngoài  giảng dạy đúng theo nội dung chương trình quy định, trường tổ chức dạy bồi dưỡng nâng cao rèn luyện tư duy, phát huy tính tích cực theo hướng bồi dưỡng nhân tài. Với lớp yếu kém, ngoài giảng dạy chương trình cơ bản, trường tổ chức phụ đạo củng cố, bổ sung kiến thức lớp dưới có liên quan đến chương trình bài mới để các em có kiến thức cơ bản đề tiếp thu kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng làm bài...

Để khắc phục được những khó khăn của một đơn vị trường vùng cao, vùng xa, trong quá trình công tác, chị Nguyễn Thị An - Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai) rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Trước hết, phải xây dựng được tập thể đơn vị nhà trường đoàn kết, thống nhất. Tiếp đó, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh ra lớp, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần; hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho nhà trường.

Tích cực xây dựng khung cảnh trường lớp xanh sạch đẹp, để học sinh thêm yêu trường yêu lớp, cán bộ giáo viên gắn bó với gia đình thứ hai của mình là nhà trường. Cuối cùng, làm tốt công tác dân vận, phải gần gũi, nắm bắt được những khó khăn cũng như tâm lý nguyện vọng của nhân dân, từ đó nhân dân mới hiểu, ủng hộ công tác giáo dục, tạo điều kiện cho con em đi học để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần cũng như chất lượng giáo dục của nhà trường.
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.