Cuối cùng thì cũng viết xong. Tôi đặt lá đơn trên gối của chồng và bắt đầu xếp áo quần vô va ly. Bỗng điện thoại reo vang, số máy của chồng hiện ra. Tôi tự hỏi có nên nghe không, có lẽ là anh sẽ phân bua gì đó, hoặc sẽ dửng dưng như hôm qua “Anh chỉ muốn biết em đã viết xong chưa?”. Cả hai điều tôi đều không muốn nghe.
Nghĩ vậy, nhưng không hiểu sao tôi lại nhấn phím nghe. Giọng bên kia khẩn cấp “Tôi gọi đại số của chị vì nó nằm đầu tiên trong danh bạ điện thoại của người bị tai nạn...”.
Cú đụng xe khiến chồng tôi nằm bệnh viện hai tuần và về nhà với cái chân bị bó bột cùng với vết thương sâu ở cánh tay trái cùng vài vết khác trên trán, trên má.
Tôi cất lá đơn đi. Đạo lý không cho phép tôi chìa tờ đơn ra khi anh đang trong tình trạng như vậy. Nhưng, chăm sóc lúc anh đang trong bệnh viện là chuyện rất khác khi anh về nhà.
Trong bệnh viện, y bác sĩ lau rửa vết thương và thay băng cho anh, còn thay quần áo là anh trai của anh làm giúp. Tôi chỉ ngày ngày nấu cháo ngon và đút anh ăn, và việc ăn vẫn khiến chúng tôi còn cách nhau một cái muỗng.
Ngày đầu tiên anh về nhà, hai đứa con giành phần đút cho ba ăn dù cánh tay phải của anh đã trở lại bình thường và anh nhận sự chăm sóc của hai đứa con một cách tận hưởng như biết những ngày này sẽ qua mau.
Điều đó khiến không khí gia đình rơi vào khoảng lặng rất khó diễn tả bằng lời. Và khi anh ngỏ ý muốn ngồi ăn chung với cả nhà chứ không ăn riêng trong phòng thì hai đứa con len lén nhìn tôi, cứ như việc anh ăn riêng trong phòng là do tôi cố tình đặt ra vậy.
Tôi nhận ra mình đóng vai vợ hiền thì hai đứa con cũng đang đóng vai quan tòa, để xem mẹ và ba, ai đúng là người có lỗi, một điều thật khó rạch ròi.
Không muốn mình là người có lỗi, trong bếp, tôi giải thích cho con gái vì sao những ngày này nhà mình không ăn mướp ăn măng vì mấy món đó không tốt cho ba. Vì sao không ăn rau muống vì sợ vết thương đang kéo da non của ba bị lồi thịt...
Tôi nghe các con thì thầm “Nếu không còn thương ba sao mẹ chu đáo vậy?”.
Ừ, sao tôi phải chu đáo vậy? Chỉ vì đạo lý thôi sao? Hai đứa con chăm chú theo dõi tôi chăm sóc anh mỗi ngày, và mỗi khi đi làm, tôi dặn dò hai đứa nên làm điều này và không được làm điều kia...
Cứ như là tôi đang điều trị vết thương của chính lòng mình. Và anh cũng vậy. Anh tự lau mình và thay áo quần, nhưng khi tôi ngỏ ý giúp thì anh sốt sắng nhận lời cứ như anh chỉ mong chờ điều đó, cứ như là nếu không có tôi thì anh chẳng làm gì nên thân!
Sự mong mỏi của hai đứa con, hay nhờ tai nạn khiến anh nhận ra gia đình luôn là điểm tựa, hay chính tôi vừa nhận ra hạnh phúc không phải là món quà tự nhiên mà có, vì bản thân mỗi người cần phải rất nhiều cố gắng.