Đảm bảo điều kiện thực hiện giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Khu vực nội đô của Đà Nẵng đã không còn đất để xây dựng mới các trường học, trong khi các trường học hiện có đã được cơi nới tối đa, thu hẹp sân chơi, cảnh quan trường học cũng bị phá vỡ.

Chỉ có một khoảng sân nhỏ hẹp, các hoạt động ngoài giờ cho trẻ của Trường Mầm non Cẩm Vân được chia nhỏ với 2 nhóm lớp/lần
Chỉ có một khoảng sân nhỏ hẹp, các hoạt động ngoài giờ cho trẻ của Trường Mầm non Cẩm Vân được chia nhỏ với 2 nhóm lớp/lần

Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã kiến nghị thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất dự phòng để phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường học đạt chuẩn quốc tế đáp ứng sự phát triển của thành phố đến năm 2030.

Linh hoạt trong tách – nhập trường

Quận Sơn Trà đã hoàn thành xong báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Trường THCS Lê Độ 2 để tách Trường THCS Lê Độ hiện nay đã quá tải. Bên cạnh đó, quận cũng đang có kế hoạch xây mới Trường Tiểu học Quang Trung 2 để đáp ứng việc giãn học sinh của các Trường Tiểu học Quang Trung, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng và Trường Tiểu học Tiểu La trên địa bàn quận. Cùng với việc sẽ có thêm 2 trường học mới, Phòng GD&ĐT Sơn Trà đang đề xuất sẽ sáp nhập Trường Tiểu học Chi Lăng và Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng thành một trường có 2 cơ sở để giảm đầu mối quản lý vì hiện số lượng HS của mỗi trường này là ít.

Bà Nguyễn Thị Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà cho biết: “Việc tách – nhập trường đều được ngành GD-ĐT khảo sát kỹ lưỡng qua những số liệu điều tra dân số cũng như tính đến sự hợp lý về khoảng cách giữa các trường”. Điều này được ngành GD-ĐT Sơn Trà rút kinh nghiệm từ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thoại được xây dựng quá gần với các trường tiểu học ở gần đó nên không thu hút được HS, số HS/lớp quá ít dẫn đến phải “xóa sổ”, chuyển sang thành cơ sở 2 của Trường THCS Lê Độ.

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và phân bố dân cư của từng vùng miền, Đà Nẵng chủ trương việc tách – nhập trường phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và di chuyển của học sinh. Như Trường Tiểu học Hòa Bắc hiện có 4 điểm trường trong đó, có những điểm trường chỉ có 17 HS/lớp nhưng vẫn phải duy trì. “Huyện Hòa Vang rộng, địa hình phức tạp, phân bố dân cư không đồng đều, có nhiều điểm trường và khoảng cách giữa các điểm trường là xa nhau, độ tuổi trẻ lớp Một còn nhỏ nên khó dồn HS về các điểm trường trung tâm” – bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang giải thích.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, chủ trương của ngành sẽ không duy trì mô hình trường học có nhiều điểm lẻ như hiện nay để đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp với quy mô lớn, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ GD cho học sinh. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, nếu phải duy trì nhiều cơ sở, thì tối đa cũng chỉ 2 hoặc 3 điểm trường, kể cả điểm trường chính. Chính vì vậy, Đà Nẵng đang rất quyết liệt trong việc bố trí, sắp xếp lại các điểm trường lẻ tập trung về trường chính, đồng thời chia tách các trường có quá nhiều điểm lẻ.

Đường vào cơ sở 1 của trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Đường vào cơ sở 1 của trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Xây dựng quỹ đất dữ trữ cho GD

Dù nằm ngay quận trung tâm của TP Đà Nẵng nhưng Trường Mầm non Cẩm Vân (Q. Hải Châu) gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; diện tích đất chật hẹp không có không gian để tổ chức các hoạt động ngoài trời cho trẻ.

“Gần như lớp nào cũng phải cho trẻ tập thể dục trong lớp học.Với khoảng sân chưa đến 60m2 cho gần 270 học sinh nên ngày khai giảng hay các hoạt động lễ hội… chúng tôi phải làm hai lần, thậm chí có những hoạt động phải tổ chức 3 lần, mỗi lần 2 lớp tham gia để các cháu còn có không gian tương tác” – cô Trần Thị Như Lai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân cho biết. Trường lại nằm sâu trong các đường kiệt nhỏ, khu dân cư đông đúc nên việc đưa đón trẻ của phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể là trong những tình huống như hỏa hoạn, cháy nổ thì rất khó để thực hiện được các phương án chữa cháy mà cơ quan phòng cháy chữa cháy đã phê duyệt, khó đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành, các cấp phải dành quỹ đất và vị trí cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở GD - ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như dự báo nhu cầu đất xây dựng của ngành GD khi nghiên cứu lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố. 

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, diện tích đất dành cho GD của Đà Nẵng đang bị thiếu so với yêu cầu. Bình quân của cả thành phố ở bậc mầm non đạt 11m2/học sinh, trong khi yêu cầu là 12m2/học sinh, bậc phổ thông 9,8m2/học sinh-trong khi yêu cầu là 10m2/học sinh.

Tuy nhiên, nếu tính diện tích trung bình ở một số quận trung tâm thì con số này thấp hơn rất nhiều. Như ở quận Hải Châu hiện diện tích đất trung bình dành cho học sinh mầm non là 4,5m2/em, tiểu học là 3,6m2/em, THCS là 3,9m2/em. Tăng cường đầu tư xây dựng mở rộng mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng… để đảm bảo đủ điều kiện cho 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày, đảm bảo quy định sĩ số HS/lớp và các quy định về xây dựng trường chuẩn quốc gia, đảm bảo các điều kiện để thực hiện GD toàn diện, phát triển năng lực, năng khiếu HS là tiêu chí mà ngành GD-ĐT Đà Nẵng đang hướng tới trong quy hoạch tổng thể mạng lưới trường lớp của toàn ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ