(GD&TD)-Đó là mục tiêu mà Bộ Công thương hướng tới khi xây dựng quy định sửa đổi Luật Điện lực. Theo đó, sẽ áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.
Đặc biệt, Bộ Công thương đề xuất quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo.
Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa điện lực và khách hàng |
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, cơ chế, điều kiện, nguyên tắc định giá điện, khung giá bán lẻ điện trong từng thời kỳ phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh.
Giá bán lẻ điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã được nối vào lưới điện quốc gia được xác định và thực hiện theo Biểu giá bán lẻ điện do Bộ trưởng quy định, trường hợp chưa hoặc không thể nối vào lưới điện quốc gia được xác định và thực hiện theo cơ chế bảo đảm kinh doanh.
Đồng thời, Luật cũng được sửa đổi theo hướng cơ quan điều tiết điện lực có nguồn thu, độc lập về tài chính và cơ chế hoạt động, được quyền quyết định một số vấn đề trong điều tiết hoạt động điện lực.
Các chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh cơ cấu đối tượng tham gia thị trường không phải 8 thành phần mà 4 thành phần… và tách riêng vai trò quản lý nhà nước. Chu trình lập quy hoạch điện quốc gia là 10 năm, tầm nhìn 10 năm dựa trên cơ sở quy hoạch nguồn năng lượng sơ cấp, có thẩm định, không cần quy hoạch quận, huyện, ngoại trừ 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Giá điện điều chỉnh theo 3 thành phần là phát điện, đầu tư lưới điện và vận hành; phải điều chỉnh giá sau khi có kiểm toán được công bố. Giá điện cần phải thay đổi vì hiện nay đang có nghịch lý là giá điện cho công nghiệp đắt hơn giá điện cho sinh hoạt. Giá điện nếu có sự điều tiết của nhà nước thì không phải là thị trường cạnh tranh nữa.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước, nhưng hạn chế ở từng mức độ tùy thuộc vào lộ trình tiến tới sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Cơ chế chào giá cạnh tranh đối với phát điện và điều hành mua điện theo giá giao ngay trên hệ thống.
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng (GreenID): Hiện nay Việt Nam chưa có thị trường điện cạnh tranh mà chỉ ở giai đoạn bước đầu quá độ tiến tới thị trường, do đó, mọi hoạt động điện lực phải gắn với từng giai đoạn thích hợp và không thể không có sự điều tiết của nhà nước trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng cần phải minh bạch. Giá điện thống nhất để 6 loại giá và 1 loại phí chứ không thể để 3 loại giá và 5 loại phí như trước đây, không cần thiết có loại phí mới là phí điều tiết điện lực.
Về an toàn, an ninh và môi trường điện lực, do tính chất đặc biệt của hệ thống điện tương lai nên phải có chương trình mới trong luật, trong đó phải xác định các cấp độ an toàn để có phương án xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra, cần có các quy định về cấp độ thảm họa để công bố tình trạng khẩn cấp; an ninh điện lực, đền bù thiệt hại khi sự cố xảy ra. Về chính sách và đầu tư điện lực, Luật cần cụ thể hóa chính sách về sử dụng nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tạo ra bước đột phá về giá trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam.
“Cần bổ sung chương về năng lượng tái tạo vào Luật Điện lực sửa đổi” - Đó là ý kiến của tổ chuyên gia độc lập chuyên ngành của GreedID cho rằng, năng lượng tái tạo là hướng đi tốt cho ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, vừa phục vụ sản xuất, đời sống, vừa bảo vệ môi trường, nhưng trong Tờ trình số 57/TTr-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ trình Quốc Hội cùng với Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi kèm theo vấn đề này còn mờ nhạt. Nội dung này cần được xây dựng thành một chương độc lập.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong Luật Điện lực sửa đổi nên bỏ quy hoạch điện cấp huyện, xã, chu kỳ lập quy hoạch điện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 10 năm và có tầm nhìn cho 10 năm tiếp theo. Đồng thời, cần chủ trương không bù chéo giá điện và có cơ cấu giá rõ ràng, minh bạch, công khai để tiến tới thị trường điện cạnh tranh. Với những công trình điện lớn, nhạy cảm về an toàn, an ninh, môi trường phải có ý kiến của Quốc hội và tổ chức trưng cầu dân ý.
Tiến sĩ Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, Luật Điện lực sửa đổi nên chú ý để không xung đột với những luật khác về Môi trường, Bảo vệ và phát triển rừng, Tài nguyên nước, Khoáng sản… đồng thời chú ý đến sinh kế, ảnh hưởng văn hóa - xã hội tới người dân ở những vùng xây dựng công trình điện…
Xuân Hải