Sát sao từ lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện
Tỉnh Đăk Nông là một trong những tỉnh mới thành lập, người dân chủ yếu là dân kinh tế mới, điều kiện kinh tế rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự quan tâm của người dân đối với giáo dục còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn.
Vượt qua nhiều khó khăn và thực hiện việc dạy và học cả ngày theo lộ trình, đến nay, các trường tiểu học tham gia SEQAP đã lập kế hoạch FDS theo tài liệu hướng dẫn của SEQAP, xây dựng kế hoạch giáo dục; thời khóa biểu FDS đáp ứng được yêu cầu của SEQAP dựa vào khả năng, nhu cầu của trẻ; khả năng của đội ngũ; cơ sở vật chất của nhà trường và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.
Các đơn vị đã sử dụng, vận dụng “Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch FDS” và “Sổ tay hướng dẫn hoạt động cho các trường FDS” đối với các trường thuộc SEQAP và ngoài SEQAP để lập kế hoạch, tổ chức, quản lý dạy học cả ngày có hiệu quả.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả FDS, cùng với việc lập kế hoạch FDS và tổ chức thực hiện FDS, 40 trường tiểu học đều vận dụng các tài liệu và hướng dẫn của Ban quản lý SEQAP Trung ương để sử dụng thời gian tăng thêm. Tài liệu thiết thực, bổ ích. Tất cả các tài liệu, đĩa hình đều được sử dụng có hiệu quả để tập huấn, nghiên cứu, tham khảo, giảng dạy.
Hiệu quả đầu tư từ Chương trình
Căn cứ vào Mục tiêu của SEQAP và kết quả đã đạt được của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định những hiệu quả mà Chương trình SEQAP mang lại đã khiến cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo và các em rất phấn khởi.
SEQAP đã hỗ trợ cho các trường nâng cao năng lực quản lý của CBQP cấp Sở, cấp phòng và cấp trường thông qua kỹ năng xây dựng lộ trình chuyển đổi, lập kế hoạch FDS,... ; Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động tập huấn, hội thảo… để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tốt hơn; Từng bước cải thiện cơ sở vật chất nhà trường thông qua hỗ trợ xây dựng phòng học, nhà đa năng, nhà vệ sinh,...; hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính để tổ chức dạy học cả ngày thông qua 2 nguồn Quỹ Giáo dục nhà trường và Quỹ phúc lợi học sinh.
Đồng thời, nhờ việc thực hiện hoạt động dạy học cả ngày, nên chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, học sinh được học các môn Tin học, ngoại ngữ, tự chọn, hoạt động ngoài giờ lên lớp, khi thực hiện chương trình T35... . Chất lượng dạy - học hai môn Toán, tiếng Việt được củng cố, phát triển, đảm bảo vững chắc.
Kế hoạch FDS của nhà trường được xây dựng, phát triển thông qua lộ trình chuyển đổi phù hợp có sự tham gia cao của cộng đồng; dựa vào khả năng nhu cầu của trẻ; khả năng của đội ngũ; nhu cầu cộng đồng để thực hiện mà các trường tiểu học khác ngoài Chương trình không thể có được.
Nhờ phương thức tổ chức các hoạt động câu lạc bộ được Chương trình SEQAP hướng dẫn tổ chức, thành lập, hoạt động rõ nét với mục tiêu phát hiện, phát triển năng khiếu, tài năng trẻ và cũng là sự động viên khuyến khích học sinh phát huy được khả năng của mình.
Để Chương trình bền vững cần có giáo viên chuyên biệt
Từ những kết quả đạt được, sau khi chương trình SEQAP kết thúc, để duy trì Chương trình mang tính bền vững thì các hoạt động của SEQAP phải được tiếp tục thực hiện thông qua sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Trung ương và sự tham gia tích cực của cộng đồng để ngày càng phát triển mô hình FDS, tăng cường bữa trưa bán trú, trợ giảng tiếng dân tộc, bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ cho giáo viên và cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên chuyên biệt cho FDS, …
Đồng thời, Sở GD&ĐT Đăk Nông cũng kiến nghị các cấp cần tiếp tục hỗ trợ các trường tiểu học xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi FDS và tổ chức thực hiện dạy học cả ngày theo mô hình thí điểm của Chương trình SEQAP, đặc biệt các trường ở vùng khó khăn nhằm nhân rộng mô hình.
Hơn nữa, các cấp chính quyền cũng cần có cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở vật chất cho trường học cả ngày; các chính sách hỗ trợ về công tác bán trú; có quy định tỉ lệ giáo viên, nhân viên phù hợp cho trường dạy học cả ngày.