(GD&TĐ) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) bỏ học nhiều là do không biết hoặc biết ít tiếng Việt nên không theo kịp bạn bè. Vì vậy, thời quan qua, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục bậc tiểu học và hạn chế tối đa số học sinh bỏ học hàng năm, các trường tiểu học đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS thiểu số.
Điển hình như tại Trường Tiểu học N’Trang Lơng, thị xã Gia Nghĩa, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS được tiến hành một cách đồng bộ bằng nhiều giải pháp phù hợp. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hương, Hiệu trưởng nhà trường thì với đặc điểm có gần 90% học sinh DTTS nên việc tăng cường dạy tiếng Việt cho các em là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nhà trường đã tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 300 tiết lên 500 tiết/năm theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với những trường có đông học sinh đồng bào DTTS.
Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã triển khai một cách nghiêm túc việc kiem tra đánh giá để phân loại học sinh, rồi có hình thức kèm cặp một cách phù hợp… Trong các dịp nghỉ hè, nhà trường còn mở các lớp dạy thêm nhằm củng cố tiếng Việt cho các em ở các khối lớp và chuẩn bị cho các em chuẩn bị bước vào lớp 1. Nhờ chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nên tỷ lệ học sinh không biết tiếng Việt và biết ít tiếng Việt ngày càng giảm, hạn chế được số học sinh lưu ban hàng năm.
Lớp học có 100% học sinh dân tộc thiểu số của thầy giáo K’Krang |
Tương tự, tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Đắk Glong, hiện có 850 học sinh, trong đó có 50% học sinh DTTS, thì trên 10% là không biết tiếng Việt. Theo cô Phan Thị Bích Huệ, Hiệu phó nhà trường thì việc học sinh không biết tiếng Việt đã gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu bài học của các em.
Để từng bước khắc phục tình trạng đó, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp trong quá trình giảng dạy. Nhà trường có 6 giáo viên người đồng bào DTTS tại chỗ thì 2 người được phân công làm chủ nhiệm ở khối lớp 1, vì đây là khối lớp có số lượng học sinh DTTS nhiều. Đối với những học sinh DTTS quá yếu tiếng Việt hoặc hoàn toàn không biết tiếng Việt, nhà trường xếp vào một lớp do giáo viên là người DTTS làm chủ nhiệm để có cách thức truyền đạt bài học một cách phù hợp.
Thầy giáo K’Krang, chủ nhiệm lớp 1 I cho biết: “Trong 5 năm công tác ở trường, tôi đều đảm nhận dạy lớp có học sinh yếu tiếng Việt, thậm chí nhiều em hoàn toàn không hiểu được tiếng Việt. Điển hình như năm nay, lớp tôi chủ nhiệm có 28 em DTTS thì có đến 10 em hiểu bập bẹ, còn lại hầu như không biết tiếng Việt. Vì vậy, trong quá trình giảng bài, tôi phải dùng tiếng mẹ đẻ để trao đổi thêm thì các em mới hiểu”.
Đối với học sinh DTTS ở các khối lớp khác, giáo viên chủ nhiệm thương tăng cường giao tiếp cũng như mỗi em sẽ có thêm một quyển vở riêng để rèn luyện chữ viết. Với việc triển khai dạy học cả ngày đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà trường trong việc tăng cường dạy tiếng việt cho học sinh DTTS.
Trong giờ học buổi chiều, những lớp có học sinh yếu tiếng Việt, giáo viên chủ nhiệm còn tăng cường rèn luyện để các em theo kịp bạn bè. Nhờ tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS nên chất lượng giáo dục, nhất là ở khối lớp 1 ngày càng có những chuyển biến tích cực. Nếu những năm học trước số học sinh lớp 1 có học lực yếu ở môn tiếng Việt luôn chiếm tỷ lệ trên 40%, thì đến cuối năm học 2010-2011 chỉ còn dưới 20%.
Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông thì tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS là một trong những giai pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các trường tiểu học, nhất là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa phải luôn có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể về việc giảm số lượng học sinh không biết tiếng Việt hàng năm, đảm bảo hết bậc tiểu học, các em đều biết nói và biết viết tiếng Việt một cách thành thạo.
Hiện tại, ngành đang chú trọng tuyển dụng đội ngũ giáo viên là người DTTS ở các địa phương nhằm hỗ trợ tích cực trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Bài, ảnh: Ban Mai