Nơi đó có những người thầy mà anh rất kính trọng, đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Quốc Ấn, nhân vật chính trong bài “Tờ quyết định đặc biệt” đoạt giải nhất cuộc thi “Ký ức thời đi học”. Đại tá Đỗ Phú Thọ khẳng định: “Thầy Ấn ảnh hưởng nhiều đến nhân cách của tôi…”.
Vì sao anh tham gia cuộc thi “Ký ức thời đi học” ?
- Tôi biết cuộc thi qua thông tin đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân. “Ký ức thời đi học” là diễn đàn để bạn đọc chia sẻ những kỷ niệm, ký ức một thời bảng đen phấn trắng, với những cảm xúc thân thương của mỗi con người với thầy cô, bạn bè, trường lớp, gia đình”. Ký ức tuổi thơ tôi trỗi dậy, ngay trong đêm, tôi đã hoàn thành bài viết.
Khi tham dự cuộc thi anh có nghĩ mình sẽ đoạt giải cao không?
- Tôi tham dự cuộc thi không phải vì giải thưởng mà vì muốn ký ức của mình được lên tiếng, muốn để con tôi, cháu tôi và nhiều bạn trẻ khác hiểu về quãng đời đi học của chúng tôi thủa trước, rất khó khăn, vất vả nhưng tình người vẫn chứa chan…Bài viết của tôi như một nén hương thơm thắp cho người thầy đáng kính của tôi – Thầy Nguyễn Quốc Ấn
Những ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ thời thơ ấu học đường đã được thể hiện trong tác phẩm của anh rất ấn tượng, anh có thể chia sẻ về cảm xúc của anh khi viết tác phẩm này.
- Thực ra, trong tác phẩm, tôi chỉ ghi lại những ký ức của mình từ thời đi học. Đó là câu chuyện có thật ở quê tôi (xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Nhiều bạn bè và thầy cô giáo cùng thời với tôi vẫn còn nhớ câu chuyện này. Thời đó tôi là lớp trưởng, liên đội trưởng.
Nội quy nhà trường lúc đó quy định học sinh phải đi dép, guốc, giày. Đi chân trần không được vào lớp. Tôi bị mất dép, phải nghỉ học. Thầy Nguyễn Quốc Ấn, Phó hiệu trưởng nhà trường lúc ấy biết được việc này vì con của thầy học cùng lớp với tôi kể lại.
Để tạo điều kiện cho tôi được đến lớp, thầy Ấn đã thảo ra một quyết định đặc biệt, cho phép tôi, không đi giày, dép vẫn được đến lớp. Nhờ có “Tờ quyết định đặc biệt” đó, tôi lại tiếp tục đi học.
“Tờ quyết định” đặc biệt đó bây giờ còn không?
- Sau khi nhận được “Tờ quyết định đặc biệt”, tôi luôn giữ bên mình. Cách đây gần ba chục năm, khi đó tôi là cán bộ trung đội của một đơn vị phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, trong một lần về thăm quê, tôi đã tặng lại phòng truyền thống của Trường Trung học cơ sở Cổ Am “Tờ quyết định đặc biệt”.
Mới đây, tôi điện hỏi thầy giáo Nguyễn Hữu Mạnh, Hiệu trưởng mới của trường THCS Cổ Am, thầy Mạnh cho biết trong phòng truyền thống của nhà trường hiện không còn “Tờ quyết định đặc biệt” nữa. Có lẽ sau nhiều lần sửa chữa, di chuyển, hiện vật này đã bị hỏng.
Hành động đầy tính nhân văn của thầy giáo trong bài viết của anh đã ảnh hưởng đến anh như thế nào trong trong cuộc đời của mình?
- Có thể nói, hành động đầy tính nhân văn của thầy giáo Nguyễn Quốc Ấn đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của tôi sau này, đặc biệt là trong cuộc đời quân ngũ. Hình ảnh của thầy luôn bên tôi, động viên tôi những lúc khó khăn.
Trong khi chỉ huy bộ đội huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lao đống sản xuất và trực tiếp phục vụ chiến đấu, tôi luôn luôn học tập đức tính thương người và lựa chọn phương án tốt nhất có thể được của thầy.
Cuộc thi này, theo anh có ý nghĩa và tác động như thế nào với cộng đồng?
- Tôi đánh giá cao Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức cuộc thi này. Có thể nói “Ký ức thời đi học” là cuộc thi đã đánh thức quá khứ để nhìn nhận hiện tại và tạo điều kiện cho nhiều người nghĩ tới tương lai. Cuộc thi không chỉ có tác dụng tốt với thế hệ chúng tôi mà còn là nhiều bài học hữu ích cho thế hệ trẻ.
Là độc giả của báo, cũng là tác giả đoạt giả nhất, anh có suy nghĩ gì về sự nghiệp giáo dục và nghề dạy học? Những giá trị đạo đức cần tôn vinh của người thầy tại thời điểm này?
- Dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Có hai nghề được xã hội tôn vinh là thầy đó là nghề thầy thuốc cứu người và nghề thầy giáo dạy người. Hiện nay trong nền kinh tế thị trường, cũng có những người thầy chưa xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, nhưng đại đa số nhà giáo của chúng ta đều là những gương sáng để học sinh, sinh viên noi theo.
Tôi đánh giá cao Nghị quyết Hội nghị Trung ương Tám vừa qua về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo, trong đó tiếp tục khẳng định vị trí không gì thay thế được của người thầy. Xã hội cũng nên có cái nhìn khách quan về người thầy. Chỉ tôn vinh người thầy bằng các nghị quyết thôi chưa đủ, cần phải bằng cơ chế, chính sách cụ thể.
Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, giá trị đạo đức cần tôn vinh nhất của người thầy đó chính là tình thương đối với các học trò. Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy học sinh cách sống.
Cảm ơn anh!