(GD&TĐ) - Khi Hsu Chung-hsin vào đại học 3 thập kỉ trước đây, ông thuộc nhóm thiểu số tại Đài Loan. Nay thì hầu như ai cũng có thể học đại học. Theo ông thì đó là điều đáng tiếc.
“Tấm vé đại học quá dễ. Nếu bạn có tiền đóng học phí, bạn có thể học đại học. Điều đó không tốt” – Hu nhận xét, ông là một luật sư có bằng tiến sĩ luật tại ĐH Cambridge – “Hiện trạng trên không ảnh hưởng tới những trường đại học hàng đầu. Nó ảnh hưởng tới những trường đại học hạng thấp. Chất lượng đào tạo thấp. Giảng dạy không nghiêm túc và sinh viên không nỗ lực hết mình”.
Tỉ lệ sinh giảm và sự bùng nổ số lượng trường đại học – có hơn 160 trường tại vùng lãnh thổ chỉ có 23 triệu dân – đồng nghĩa cánh cửa đại học mở rộng với hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đài Loan có tổng cộng 1,35 triệu sinh viên đại học, tính đến cuối tháng 6/2012, theo số liệu của cơ quan quản lí GD. Tuy nhiên sự bùng nổ nói trên cũng khiến suy giảm nghiêm trọng chất lượng đào tạo của Đài Loan – khi mà hệ thống “phổ cập hóa đại học” tạo ra quá nhiều người nhận một trình độ học vấn dưới tiêu chuẩn, không đáp ứng nhu cầu tổng quan của nền kinh tế.
Kì thi tuyển sinh đại học chuẩn quốc gia – từng là cuộc thi cạnh tranh quyết liệt – đã ngày càng trở nên hình thức. Năm 2011, năm gần đây nhất thống kê số liệu, có 90,4% thí sinh trúng tuyển đại học. Tỉ lệ này khác xa một trời một vực so với năm 1975, khi chỉ ¼ thí sinh vượt qua kì thi – một tỉ lệ “chọi” bảo đảm chọn ra được người tài đích thực.
Không nhiều HS Đài Loan tìm tới những trung tâm luyện thi ĐH |
Mức độ thi cử quá dễ dàng khiến cho cảnh học sinh trung học Đài Loan chong đèn luyện thi tới nửa đêm chỉ còn là cá biệt. “Học sinh trung học cảm thấy quá dễ dàng. Nếu chỉ cần một suất đại học chứ không lưu tâm tới những trường top đầu thì khả năng gần như chắc chắn” – Abby Yao, sinh viên tâm lí 24 tuổi tại ĐH Fu Jen Catholic, nhận xét – “Nó khác xa với thế hệ cha mẹ chúng tôi, khi mà chỉ 1 trong 4 người có được may mắn đỗ đại học”.
Vẫn có những thí sinh vẫn nỗ lực dùi mài kinh sử. Họ nỗ lực thi vào những trường ĐH top đầu, nơi tiếp nhận khoảng 1/3 số lượng SV. Trong khi đó 2/3 sinh viên “lâm nguy” khi rơi vào quả bóng GD đại học phình ra – đa số là những trường ĐH tư chất lượng xoàng xĩnh. Nhiều người thi vào ĐH có thể không nghĩ tới mối lợi về dài hạn cho họ, theo nhà kinh tế học Kenneth Lin, ĐH National Chung Cheng. “Các trường tư chỉ tuyển những thí sinh điểm thi thấp bởi nếu không có đủ sinh viên họ sẽ phá sản” – Lin nói – “Nhưng sinh viên đối mặt với cơ hội việc làm nhỏ nhoi khi tốt nghiệp trong thực tế thì họ sẽ có cơ hội hơn khi vào học trường nghề và sau đó là một công việc trong nhà máy”.
Theo nhiều chuyên gia thì Đài Loan cần chuyển hướng nhiều HS sau tốt nghiệp phổ thông vào trường nghề như thời kì đầu hậu chiến. Đó đã là nền tảng cho sự phát triển kinh tế thần kì của Đài Loan từ những năm 1960 đến 1990 khi cung cấp đủ lực lượng lao động cho công nghiệp. Nay hệ thống GD đang tạo ra lượng cầu dư thừa và hậu quả là Đài Loan phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp trong khi ngành công nghiệp thì lại không thể tìm được công nhân.
Tỉ lệ thất nghiệp của Đài Loan đã lên tới 4,31% vào cuối tháng 7. Trong khi đó khu vực phi nông nghiệp có nhu cầu 202.000 công nhân vào tháng 2 nhưng không được đáp ứng.
Hệ thống GD đại học Đài Loan cần một sự chuyển đổi ngược trở lại. Nghĩa là những trường cao đẳng nghề được đôn lên thành trường đại học cần được trả về đúng là trường nghề trước đây. Sự thuyết phục của xã hội với phụ huynh cũng rất cần thiết, sao cho phụ huynh không kì vọng con trở thành luật sư, bác sĩ mà thành công nhân.
Bảo Chi (Tổng hợp)