Đại học Đà Nẵng: Trung bình mỗi năm có 60 tân tiến sĩ về công tác

GD&TĐ - Ngày 19/9, ĐH Đà Nẵng tổ chức họp báo Năm học 2017-2018. GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng; PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng chủ trì họp báo. Tham dự còn có lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc, các phòng ban, chức năng thuộc ĐH Đà Nẵng.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã thẳng thắn chia sẻ những vấn đề báo chí quan tâm.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã thẳng thắn chia sẻ những vấn đề báo chí quan tâm.

Thông tin về những kết quả nổi bật năm học 2016-2017, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: Năm học 2016-2017, ĐH Đà Nẵng đã thực hiện hoàn thiện cơ cấu, mô hình đại học vùng đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, hoàn thiện đề án tổ chức, sắp xếp, thành lập mới một số cơ sở giáo dục đại học thành viên: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Đà Nẵng. Thành lập mới các đơn vị trực thuộc (Khoa Công nghệ, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Viện Khoa học và Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng, Viện Công nghệ Quốc tế Đà Nẵng.

Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên ở các nước tiên tiến 3 và thu hút, tuyển dụng nhiều giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, nhờ đó tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sỹ và có chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng cao so với các trường trong cả nước, đạt tỷ lệ 29,6% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ.

Chú trọng phát triển cán bộ kế thừa, cán bộ trẻ và cán bộ nữ nhờ đó góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn ĐH Đà Nẵng. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng có 1.490 giảng viên/2.315 CBVC, trong đó có: 8 Giáo sư, 83 Phó giáo sư và 395 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 29,6% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ; nhiều CSGDĐHTV có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khá cao (Trường ĐH Bách khoa đạt tỷ lệ 42%; ĐH Sư phạm đạt tỷ lệ 33,2%).

100% giảng viên trẻ cam kết đào tạo sau đại học ở nước ngoài, hiện có 394 giảng viên làm nghiên cứu sinh và 186 học viên cao học đang đào tạo ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore…), bình quân mỗi năm có 60 tân Tiến sĩ về công tác tại ĐH Đà Nẵng.

Theo GS.TS Trần Văn Nam, năm học 2016-2017, chất lượng đào tạo của ĐH Đà Nẵng tiếp tục được nâng cao với nhiều chương trình tiên tiến, chất lượng cao được kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc tế.

Tháng 10/2016, ĐH Đà Nẵng là đại học vùng đầu tiên của Việt Nam có 100% các trường đại học thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia (tháng 4/2016, Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng vinh dự là trường đại học đầu tiên của Việt Nam được kiểm định và công nhận đạt chuẩn giáo dục quốc gia, tiếp đến tháng 10/2016, các trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại ngữ hoàn thành kiểm định và đạt chuẩn giáo dục quốc gia).

Tháng 6/2017, Trường Đại học Bách khoa-ĐH Đà Nẵng trở thành một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam kiểm định và được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế bởi Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp.

Nhiều chương trình đào tạo kiểm định đạt chuẩn quốc tế được nhiều trường đại học uy tín trên thế giới công nhận.Trong những năm qua, ĐH Đà Nẵng luôn được xếp hạng trong top đại học hàng đầu Việt Nam và có thứ hạng cao trong top đại học khu vực và thế giới: Top 5 đại học hàng đầu Việt Nam; Top 9 các trường đại học Việt Nam và Top 100 các trường đại học Đông Nam Á (theo Webometric 7/2017).

GS.TS Trần Văn Nam cho hay: Nhằm tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho sinh viên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập thị trường lao động quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

ĐH Đà Nẵng đã tích cực giảng dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh và Tiếng Anh tăng cường cho sinh viên. Rà soát, giám sát lại chuẩn đầu ra ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo; Từ năm học 2016-2017 đã áp dụng kiểm tra tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam do Trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức chung cho các trường. Hợp tác với tập đoàn Microsoft thành lập “Học viện Công nghệ Thông tin Microsoft” (Microsoft IT Academy-MSITA) đào tạo kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế cho sinh viên.

Thường xuyên gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử sụng hiệu quả nguồn nhân lực, tham khảo ý kiến và nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động để điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần các ngành đang dư thừa, tăng cường các ngành kỹ thuật-công nghệ, chương trình tiên tiến, chất lượng cao đã được kiểm định và thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao, đảm bảo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài nước.

GS.TS Trần Văn Nam cho biết thêm: Năm học 2016-2017, ĐH Đà Nẵng có số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn và công bố quốc tế khá cao, tăng đáng kể so với những năm học trước. Hoạt động hợp tác quốc tế sôi động qua đó tiếp tục phát triển và nâng tầm quan hệ hợp tác sâu rộng với hầu hết các đại học, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ trì, đăng cai tổ chức 12 hội nghị khoa học quốc tế 12 với nhiều dự án quốc tế lớn. Thu hút nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy, nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế.

Không ngừng đầu tư phát triển cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; Tăng cường năng lực quản trị và triển khai lộ trình tự chủ đại học. Huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc cũng đã thông tin, trao đổi thêm nhiều nội dung, vấn đề mà báo chí quan tâm như: Nội dung, chương trình của các chương trình đào tạo tinh hoa, chất lượng cao, chương trình tiên tiến; Chế độ chính sách thu hút, tuyển dụng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ; những khó khăn thuận lợi trong thực hiện tự chủ đại học; tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ