Đại biểu Quốc hội hiến kế cho nền kinh tế

Đại biểu Quốc hội hiến kế cho nền kinh tế

Hai vấn đề của kinh tế năm 2010

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) cho rằng, nền kinh tế nước ta đứng trước một tình trạng là vừa phải làm sao chúng ta ngăn chặn được suy giảm, phục hồi kinh tế cho tốt sau tác động khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng Việt Nam khác với các nước, Việt Nam lại có nguy cơ từ quý IV năm ngoái đứng trước một tình trạng đó là nguy cơ tái lạm phát cao.

Do đó các chính sách của Chính phủ sử dụng chủ yếu 2 công cụ: chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa thực hiện 2 mục tiêu mâu thuẫn. Nhìn tổng thể thấy rằng, những gì đạt được trong năm 2010 (mặc dù chỉ số tăng giá, lạm phát cao hơn mục tiêu) là phù hợp với quan điểm ưu tiên ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế một cách hợp lý. "Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta bộc lộ những vấn đề rất nặng nề, những thử thách cho những năm sắp tới nhất là 5 năm 2011 – 2015" – ông Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

Ông Trần Du Lịch tập trung 2 vấn đề trực tiếp của năm 2010 thể hiện rất rõ, đó là tình trạng nhập siêu. "Chính nhập siêu và bội chi ngân sách là 2 nguyên nhân trực tiếp gây bất ổn vĩ mô  không chỉ cho năm 2010 mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới. Năm 2009, từ nhập siêu chúng ta thiếu toàn bộ lượng thanh toán quốc tế tổng thể, chúng ta thâm hụt gần 9 tỷ USD. Năm nay dự kiến 4 tỷ nữa là hơn 13 tỷ USD. Chúng ta không thể có khả năng duy trì ổn định giá trị đồng tiền trong điều kiện tác động rất xấu của thế giới" – ông Lịch cho biết.

Vấn đề thứ hai làm bất ổn nền kinh tế ông Lịch đưa ra là bội chi và tăng bội chi. Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến phương thức, cách đầu tư làm cho bội chi tăng. Trong năm 2010, vấn đề lớn giữa chính sách tiền tệ là chúng ta không có trợ cấp lãi suất và giảm lượng tín dụng từ 38% xuống 25%. Nhưng chính sách tài khóa vẫn duy trì nới lỏng trong việc chi chuyển nguồn 2009, thậm chí tạm ứng năm 2011 đều rất lớn. Tiến độ tài chính là nơi khó khăn nhất trong cân đối với cách đầu tư của ta hiện nay. Khi tăng đầu tư, tăng tín dụng chắc chắn sẽ làm tăng nhập khẩu và tăng nhập siêu. "Đây là gốc của vấn đề tôi nghĩ cần mổ xẻ để có giải pháp cho năm 2011" – ông Lịch nhấn mạnh.

Hai giải pháp cho nền kinh tế năm 2011

Hiến kế cho Chính phủ, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đưa ra hai giải pháp: Thứ nhất, năm 2011 nên tập trung ổn định vĩ mô. Trong Báo cáo của Thủ tướng cũng nêu rất rõ có 3 ý liên quan đến ổn định vĩ mô. Đó là vấn đề làm sao giảm nhập siêu; kiềm chế lạm phát; giảm công chi. Năm 2011, năm khởi đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung vào chất lượng. chúng ta có quyết sách về vấn đề lớn nhất là quốc sách về phân bố đầu tư và sử dụng ngân sách. Nếu chúng ta tiếp tục cách phân bố đầu tư như hiện nay, cách sử  dụng công chi và bội chi như hiện nay thì chúng ta đẩy dần tình trạng của nền kinh tế bất  ổn.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn. Qua vụ Vinashin đã nói rất nhiều. "Tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến việc  đầu tư kém hiệu quả, vấn đề nợ nần và nhiều đại biểu còn nêu lên vấn đề liên quan đến cơ chế, có lỗ  hổng về cơ chế. Ở đây không hoàn toàn như vậy, đây có vấn đề sử dụng và bố trí con người. Do đó, nếu như chúng ta cứ tập trung về cơ chế tôi e rằng qua hơn 10 năm đổi mới doanh nghiệp, coi chừng quay lại cơ chế chủ quản, một cơ chế mà chúng ta phải thoát khỏi nó, phải tìm cách khác" – ông Lịch phan tích.

Để có đột phá liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề nghị hai việc: Thứ nhất, đề nghị sử dụng một cơ chế ngân sách cứng, có nghĩa là Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay tất cả những gì liên quan đến quản lý về nợ công đối với tất cả các doanh nghiệp, những vấn đề này nên có sự tham gia của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai, minh bạch; Thứ hai, tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn, các tổng công ty, phải công khai công bố tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, với những báo cáo tài chính có sự giám sát của xã  hội thì chúng ta mới minh bạch ra được. "Nếu như chúng ta duy trì cơ chế như hiện nay tôi đề nghị Chính phủ nên lựa chọn các tập đoàn lớn, ví dụ dầu khí, điện lực, than, khoáng sản, một vài ngân hàng thương mại quốc doanh lớn phải công khai báo cáo tài chính để có sự giám sát, như vậy mới minh bạch" – ông Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, Quốc hội phải sớm ban hành Luật kinh doanh vốn nhà nước. "Hiện nay, chúng ta đang có lỗ hổng, vì từ ngày 1/7/2010 khi Luật doanh nghiệp nhà nước không còn hiệu lực" – ông Lịch cho biết.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ