Đại biểu QH bức xúc về tình trạng tham nhũng gia tăng

Đại biểu QH bức xúc về tình trạng tham nhũng gia tăng
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường
 

Tại phiên thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm "nóng ran" những ý kiến góp ý thể hiện bức xúc của cử tri, được các đại biểu Quốc hội phản ánh xung quanh công tác của các cơ quan tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan tư pháp trong công tác phòng, chống tội phạm năm qua đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể ổn định tình hình kinh tế-xã hội nhưng nhiều ý kiến tại buổi thảo luận lo ngại: Tình hình phòng, chống tội phạm dù quyết liệt nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng lên.

Tính chất các vụ phạm tội có phần nguy hiểm hơn; cờ bạc tăng, cá độ bóng đá tăng, sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ hết sức phức tạp. Đặc biệt, các vụ án giết người gia tăng, biểu hiện sự suy đồi đạo đức, xảy ra tại nhiều địa phương. Vấn đề mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy cũng hết sức nhức nhối, với số lượng lớn vẫn tiếp diễn và ngày càng manh động, liều lĩnh.

Mạnh tay hơn nữa với vi phạm pháp luật và tội phạm

Bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường ngày càng diễn biến phức tạp ở mức đáng báo động, coi thường pháp luật và gây ra nhiều hậu quả nặng nề, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) viện dẫn nhiều vụ xả thải ra môi trường tự nhiên mới được phát hiện gần đây tại nhiều địa phương.

Đại biểu cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở người thi hành công vụ. Các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường không đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn bị cắt dán cho nhiều địa phương khác nhau, chỉ thay đổi địa danh.

Theo đại biểu Nga, việc buông lỏng quản lý; xử lý hành chính nương nhẹ, công tác kiểm tra không đạt yêu cầu, hoặc dung túng, bao che cho doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm liên tiếp xảy ra. Đại biểu cho rằng, việc xử lý những vụ vi phạm này theo hướng trách nhiệm hình sự là hoàn toàn không khó khăn, vấn đề là có xử lý hay không?

Nhận định tình hình tội phạm gia tăng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, công tác quản lý Nhà nước chậm phát hiện ra những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, các chế tài đối với tội phạm vị thành niên không đủ sức răn đe tội phạm và ngăn chặn tội phạm gia tăng.

Vai trò của các tổ chức chính quyền, gia đình, nhà trường trong phòng, chống tội phạm chưa thực sự được đề cao, còn tình trạng coi nhiệm vụ này là của riêng ngành công an.

Quan tâm đến một số loại tội phạm mới, đại biểu đề xuất cần có sự chủ động chuẩn bị về trang thiết bị, lực lượng để đối phó hiệu quả, cần có giải pháp phòng ngừa kịp thời, tăng cường quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cần chăm lo lực lượng phòng, chống tội phạm, đặc biệt những người trên mặt trận phòng, chống tội phạm nguy hiểm.

Tán thành với các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng vác ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đại biểu Hà tán thành với 9 nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tránh phô trương hình thức trong việc tuyên truyền pháp luật, cần tổ chức đánh giá công tác này trong thời gian qua và xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân một cách phù hợp.

Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến đánh giá, năm qua công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị chỉ rõ, chỉ đúng những địa chỉ cụ thể, đơn vị, tổ chức, trách nhiệm cá nhân những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.

Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị thành lập cơ quan riêng về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, quyết tâm chính trị đã có, hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện.

Đưa quan điểm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 chưa đạt yêu cầu, tham nhũng chưa thực sự được đẩy lùi, ngăn chặn, dù Luật Phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung, sửa đổi, đại biểu nhấn mạnh: “Cơ quan, lực lượng phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bày binh bố trận rầm rộ, khí thế hừng hực song tội phạm tham nhũng chưa sát thương là bao nhiêu.”

“Cử tri cho rằng nợ xấu tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng”, ông Tiến nói.

Từ những bất cập trở ngại nói trên, đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị cần thành lập cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cơ quan này có cơ chế đặc biệt có thể xử lý dứt điểm, hiệu quả cả tham nhũng trong cả bộ máy phòng, chống tham nhũng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, chúng ta có đủ bộ máy phòng, chống tham nhũng, mặc dù các cơ quan này có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng. Liệu trong lực lượng phòng, chống tham nhũng có việc bao che cho tham nhũng hay không? đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu đề nghị cần lập lực lượng chuyên trách điều tra phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với đội ngũ cán bộ tinh nhuệ về trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Có như vậy mới có thể đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài như hiện nay, không cho thời gian để bị can, bị cáo chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ