Đặc sắc lễ bỏ mã của người J"rai

GD&TĐ - Để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết, người J"rai ở tỉnh Gia Lai, sau khi tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về thế giới bên kia, đều có những nghi thức giải phóng mình khỏi những ràng buộc với người chết. Nghi thức đo gọi là lễ Pơ thi hày còn gọi là lễ bỏ mả, một trong những nghi lễ lớn nhất của người J"rai.

Lễ bỏ mả của người J"rai là một ngày hội văn hóa thực sự. ( ảnh Puih H’Lier)
Lễ bỏ mả của người J"rai là một ngày hội văn hóa thực sự. ( ảnh Puih H’Lier)

Người J"rai quan niệm, một người trong làng khi qua đời sẽ được chôn trong ngôi mộ tạm. Hằng ngày, người thân trong gia đình đến cho người chết “ăn uống” qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ. 

Họ tin rằng, khi chưa làm lễ bỏ mã cho người thân, thì dù đã chết, người thân vẫn còn lai vãng đâu đây, cũng cần ăn uống và về nhà giúp đỡ gia đình. Họ chỉ trở lại với thế giới bên kia khi được làm lễ bỏ mả.

Để chuẩn bị chia tay người chết trong lễ bỏ mả, người dân thường vào rừng lấy gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh mang về dựng các phần của nhà mồ. Gỗ để làm nhà mồ phải chọn những cây gỗ tốt. 

Ngoài những đồ vật dùng hàng ngày mà người sống mang đến mồ, một thứ đặc biệt người sống làm cho người chết là đẽo những bức tượng cắm xung quanh nhà mồ. 

Làm nhà mồ là công việc của đàn ông. Phụ nữ chỉ tham gia phục vụ cơm nước cho những người làm nhà mồ. Công việc làm nhà mả được tiến hành ngay tại khu nghĩa địa. 

Suốt ngày tiếng chặt gỗ, đẽo gỗ rộn vang cả khu nghĩa địa gần làng. Thường thì người J"rai chuẩn bị cả tuần đôi khi kéo dài cả tháng mới xong nhà mồ.

Rượu cần thứ đồ uống không thể thiếu trong lễ bỏ mã
Rượu cần thứ đồ uống không thể thiếu trong lễ bỏ mã 

Ngôi nhà mồ mới được hoàn thiện cũng là lúc người J"rai tổ chức lể bỏ mã. Lễ hội bỏ mả hàng năm thường diễn ra trong 3 ngày, khi mùa mưa vừa chấm dứt và luôn phải trải qua ba bước: Dựng nhà mồ, lễ bỏ và lễ rửa nồi (giải phóng linh hồn).

Lễ bỏ mả của J"rai được xem là lễ lớn nhất trong năm, nên rất tốn kém. Ngoài các đồ cúng trong ba ngày lễ, thì nhất thiết phải mổ trâu, mổ bò. Cũng theo già làng Chăn Rú: “Mọi công việc chuẩn bị trong lễ bỏ mã của gia chủ sẽ được người trong làng giúp sức, gia chủ chỉ phải lo cơm nước cho họ”.

Tượng nhà mồ một nét đặc sắc trong lễ bỏ mã
Tượng nhà mồ một nét đặc sắc trong lễ bỏ mã 

Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, đó là một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Gia chủ đứng trước ngôi mã có cắm cây nêu thường làm bằng cây gạo treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới theo chiều gió và đưa tay lên trời lầm rầm khấn vái. 

Sau khi già làng làm lễ cúng xong , thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia.

Đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiên và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Vào chính hội mọi người tổ chức ăn cỗ linh đình, tấu cồng chiêng, cùng nắm tay nhau múa vũ điệu soang và đặc biệt đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm kiếm bạn đời của mình.

Những ngày Lễ bỏ mã thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng, bằng những con rối...

Như vậy, có thể nói lễ bỏ mã là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn: tái sinh cho người chết và giải phóng cho người sống.

 “Lễ hội bỏ mả là cuộc chia ly cuối cùng giữa người sống và người chết, bởi sau khi lễ hội này kết thúc thì từ đó trở đi người thân của người chết sẽ chấm dứt thời gian ra thăm mộ. Đối với họ nghĩa vụ và tình cảm với người chết đã hoàn toàn hết, họ sẽ không còn bao giờ quay trở lại thăm mộ nữa”.                                                             Già làng Chăn Rú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ