(GD&TĐ) - Đến thời điểm này, chúng ta đã sơ tán được 6.196 lao động sang các nước thứ 3, đã đưa được hơn 2.739 lao động về nước an toàn.
Người lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết như vậy trong buổi họp báo ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào chiều nay 2/3.
Đối với hơn 200 lao động lao động làm việc tại các công xưởng, nhà máy nhỏ do thiếu thông tin đang còn mắc kẹt tại Lybia cũng đang tìm cách liên lạc với sứ quán nước ta để tìm được nơi tạm trú an toàn để quá cảnh về nước.
Trong ngày 2/3, một chuyến bay chở 340 người đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, chưa có bất cứ một thông tin nào về thương vong của người lao động Việt Nam.
Cũng trong ngày hôm nay, dự kiến sẽ có thêm 3 chuyến bay nữa khởi hành từ quốc đảo Malta, từ Thổ Nhĩ Kỳ và từ thủ đô Cairo (Ai Cập) chở thêm 764 người lao động tiếp tục lên đường về Việt Nam; nâng số người lao động đã về nước lên 2.739 người.
Như vậy, hiện số người lao động Việt Nam còn ở lại khu vực nguy hiểm là hơn 3.000 người, trong tổng số 10.482 lao động Việt Nam có hợp đồng làm việc tại Libya.
Nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động còn mắc kẹt, đoàn công tác của Việt Nam trực tiếp sang nước bạn đã mang 2.000 chiếc bánh chưng, lương khô của quân đội kết hợp chở nước ngọt sang hỗ trợ cho bà con.
Thông tin mới nhất được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo là đã có 1.123 người lao động Việt Nam được thu xếp xuống tàu biển, bắt đầu di chuyển đến nước thứ ba. Số còn lại, khoảng hơn 1.400 người nữa đang tiếp tục tiến về phía biên giới nước bạn để nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tiếp tục nỗ lực đưa người Việt Nam về nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tích cực tiến hành đàm phán và xin phép bay đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan. Nếu được chấp thuận, ngay đêm nay, chuyến bay thứ hai của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ lên đường đến Tunisia Dự kiến, sáng 3/3, máy bay tới Tunisia. Ước tính, chuyên cơ này sẽ chở được khoảng 300 đến 350 người lao động Việt Nam về nước.
Liên quan tới chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam ở Libya phải về nước trước thời hạn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trước mắt, khi về Việt Nam, mỗi người lao động được hỗ trợ một triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước và 1 triệu đồng của doanh nghiệp nơi xuất khẩu lao động để có lộ phí trở về quê. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã hỗ trợ 3 tỷ đồng. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) hỗ trợ 5 tỷ đồng. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã tiến hành lập quỹ và tiếp tục kêu gọi những cơ quan, đơn vị khác tham gia đóng góp để có thêm nguồn lực, chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan hữu quan giải quyết khó khăn cho người lao động trong thời gian tới |
Quang Thanh