Vụ rau trước và sau Tết thường bao giờ cũng đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con. Nhờ thuê, mượn đất của các dự án chưa triển khai để trồng rau, nhiều nông dân trong vùng quy hoạch giải tỏa đã cải thiện được cuộc sống, hứa hẹn một cái Tết đủ đầy, ấm no…
Mượn đất… làm giàu
Vừa xới đất trồng rau gối vụ để bán cho những ngày sau Tết, anh Đỗ Văn Dưỡng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) kể: Trước gia đình mình làm nghề nông, rồi đất vườn, đất ruộng đều nằm trong vùng quy hoạch, buộc phải bàn giao hơn 4ha đất sản xuất cho các dự án.
Quần quật với ruộng vườn, thấp thỏm với những cơn nóng lạnh của thời tiết, thu nhập từ hạt lúa, mớ rau… tuy không thể giàu có được nhưng khó mà thiếu ăn.
Giờ không ruộng, không vườn, nghề nghiệp càng không, tiền đền bù tiêu mãi rồi cũng hết, gia đình anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi nhanh chóng trở thành hộ nghèo của phường. Đang bế tắc trước bài toán mưu sinh thì anh được Hội Nông dân của phường vận động tham gia lớp tập huấn trồng rau sạch.
Vay 20 triệu đồng làm vốn, anh Dưỡng sang phường Khuê Mỹ thuê đất trồng rau. Chưa được bao lâu thì vùng này cũng vướng vào giải tỏa. “Lần này thì tui không thuê nữa, cứ tận dụng đất của các dự án chưa thi công để trồng trọt thôi”- Anh Dưỡng tâm sự. Và với 8 sào rau các loại, thu hoạch quanh năm, hàng tháng, gia đình anh cũng thu về được khoảng từ 20 - 30 triệu tiền lãi.
Cũng trồng rau màu trên đất mượn của dự án, anh Nguyễn Văn Bình (phường Mỹ An) cho biết: “Giải tỏa xong, vợ chồng tui đi làm “thợ đụng” (ai thuê gì làm đó), thu nhập không ổn định, con cái lại đang tuổi học tuổi chơi nên cứ thiếu trước hụt sau.
Sáu năm ni, nhờ khoảnh đất mượn của dự án ni, chăm chút mấy luống rau cũng đủ thu về vài trăm ngàn mỗi ngày, không phải “giật gấu vá vai” nữa”.
Với 4 sào đất, trồng đủ loại ra, từ cải xanh, cải cúc, ngò, húng quế… hầu như ngày nào nhà anh cũng có rau để bán. “Trời chưa sáng tỏ đã có mặt ở ruộng rau rồi, hết nhổ rồi bó rau cung cấp cho các đầu mối thì quay sang nhổ cỏ, bắt sâu, lên liếp, tưới rau… cứ quần quật cả ngày nhưng được cái hiệu quả kinh tế cao” – anh Bình cho biết.
Năm nay, anh Bình thử nghiệm trồng cây xà lách tím lấy giống từ Đà Lạt để nhập cho nhà hàng, siêu thị, với giá cao gấp 5 - 8 lần xà lách xanh. “Mình là nông dân, không thể rời cục đất ra được” - anh Bình cười.
Nhờ tận dụng đất trống của các dự án chưa triển khai để trồng trọt, nhiều nông dân ở Đà Nẵng có một cái Tết đủ đầy. |
Tết ấm với người trồng rau
Nhờ vô hai sào rau mà gia đình lo được cho hai đứa con đang đi học đại học
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, hiện có khoảng 1.000 lượt hộ nông dân mượn tạm 165.000m2 đất các dự án để trồng hoa, rau màu. Nhờ đó đã giải quyết tình trạng lãng phí đất đai cũng như việc làm cho những lao động nhàn rỗi, tạo ra giá trị kinh tế không hề nhỏ.
Ông Phạm Văn Ký (phường Phước Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Bọn tui giờ muốn chuyển đổi ngành nghề chi cũng khó, cứng tuổi rồi, vào làm công nhân ở khu công nghiệp thì mình không kham nỗi, may có đất trống của các dự án để trồng rau màu, vừa không lụi nghề mà lại có thêm thu nhập”.
Anh Đỗ Văn Xa (46 tuổi), vừa xếp số cải đã bó vào sọt chờ giao cho bạn hàng, vừa tính toán: “Tui có 2 vợ chồng làm túc tắc thôi nên chỉ nhận 2 sào đất. Nhờ vô hai sào ni mà lo được cho hai đứa con đang đi học đại học.
Thời tiết năm nay thuận lợi, rau được mùa nhưng không bị rớt giá nên thu nhập cũng tương đối. Vụ rau tết ni, hai vợ chồng tui tính dành tiền để ra năm nộp học phí cho con, phần thì mua sắm chi tiêu mấy ngày Tết; làm quanh năm, ăn ba ngày Tết mà!”
Những hộ nông dân phường Phước Mỹ nhờ san ủi mặt bằng, cải tạo đất tại các lô đất trống để trồng trọt đã có việc làm và thu nhập khá ổn định. Như ông Ký, anh Bình, Tết này cũng thu về vài chục triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí phân bón, giống má, điện nước…