Đà Nẵng: Nóng chuyện tín dụng đen, xe dù bến cóc

GD&TĐ - Sáng 6/11, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 4. Nhiều vấn đề nóng như đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, đền bù giải tỏa… mà cử tri chất vấn đã được đại diện các Sở ban ngành giải đáp với các hướng khắc phục cùng mốc thời gian rõ ràng.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP trả lời chất vấn của cử tri về các vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP trả lời chất vấn của cử tri về các vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường

Âm thầm mượn tiền, bị khủng bố mới báo công an

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã xử lý 46 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay nặng lãiđòi nợ thuê; đồng thời chỉ đạo tổng rà soát và lập danh sách 262 người câu kết với 64 người ngoại tỉnh (chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc) chuyên cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Trong tháng 10, Công an Đà Nẵng đã chỉ đạo rà soát đăng ký cư trú, qua đó bắt quả tang 2 vụ liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê ở quận Sơn Trà, Liên Chiểu; Khởi tố vụ án ở quận Sơn Trà và mở rộng điều tra vụ án ở quận Liên Chiểu. “Đối với 326 đối tượng trong và ngoài thành phố như trên, Công an Đà Nẵng đã phân công người giám sát đồng thời củng cố chứng cứ nhằm xử lý trong thời gian tới” - Giám đốc Công an TP cho biết. Ngoài ra, lực lượng Công an còn ghi nhận 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp cầm đồ, mua bán ô tô… để hoạt động cho vay nặng lãi.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nhận định: Tín dụng đen có điều kiện nở rộ là do nhu cầu vay vốn trong dân và doanh nghiệp rất lớn, tội phạm đánh trúng tâm lý muốn các giao dịch nhanh, gọn, thủ tục đơn giản. Những việc này diễn ra âm thầm bằng quan hệ dân sự, đến khi không trả được thì xảy ra hiện tượng khủng bố, đòi nợ...

Đến lúc đó, người dân mới báo công an nên có nhiều khó khăn trong phòng ngừa. Ông Viên cho biết thời gian tới, Công an TP sẽ phối hợp mật phục, xử lý những đối tượng dán áp phích cho vay nặng lãi, tụ tập, khống chế người cho vay. Đến cuối năm, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm để bà con cử tri an tâm.

Cũng liên quan đến tình hình an ninh trật tự, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP đã thông tin về chuyến thị sát của ông tại bến xe Đà Nẵng và nhận xét: “Do chính quyền địa phương xử lý không rốt ráo để cây xăng trước bến xe trở thành bến cóc. Việc này không lớn, chỉ cần xã phường làm là được rồi”.

Sau chuyến thị sát của ông Thơ, 2 thanh tra giao thông được cử túc trực tại khu vực này. Tuy nhiên, ngày 5/11, ông Thơ quay lại hiện trường thì xe dù đã thay đổi địa điểm, đậu ở các kiệt hẻm và chạy tà tà để đón khách. “Chừng đó đủ để thấy chính quyền cơ sở xử lý có quyết liệt hay không chứ đừng nói đến việc lớn” - ông Thơ nêu vấn đề.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP cam kết đến cuối năm sẽ giảm tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê
  • Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP cam kết đến cuối năm sẽ giảm tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê

Khắc phục ô nhiễm môi trường biển

Việc các cửa xả thải thoát nước không kịp, thậm chí bị đóng gây ngập khu dân cư cũng được cử tri đưa ra chất vấn. Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, thành phố có 20 cửa xả phía Đông và vịnh Đà Nẵng có 29 cửa xả. Thế nhưng, đường ống thu gom cũ nên chỉ cần mưa lớn là không tiêu thoát kịp.

Về việc nước tràn vào khu dân cư, ông Hùng lý giải là do các cửa lệch bị rác và cát chắn không mở được. Sở Tài Nguyên - Môi trường đã chỉ đạo Công ty Thoát nước nạo vét bùn dọc tuyến biển phía Đông, đắp đê chắn ngăn chặn cát tràn cửa xả. Ngoài nỗ lực của các đơn vị có liên quan nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này, các cơ sở kinh doanh dọc biển phía Đông cần có ý thức bảo vệ môi trường.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, ô nhiễm môi trường biển là vấn đề lớn nhất của thành phố hiện nay. Riêng dự án xử lý nước thải ở phía đông sẽ khởi công vào tháng 4/2019 tới, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.

“Tuy nhiên, dự án này chỉ khớp nối ở khu vực từ Phạm Văn Đồng trở về quận Sơn Trà. Sắp tới sẽ nghiên cứu đưa nước thải sau khi xử lý chảy vào âu thuyền Thọ Quang thay vì chảy thẳng ra biển như hiện nay để tránh xói lở. Các khu vực còn lại sẽ tách hệ thống nước thải khỏi nước mưa để giảm tải, tránh gây ngập úng khu dân cư như vừa qua ở khu vực Bắc Mỹ An, cho nước thải sau xử lý chảy về sông Hàn” -ông Huỳnh Đức Thơ nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ