(GD&TĐ) - Mỗi năm cứ đến dịp hè, dư luận lại rộ lên thông tin về vấn đề “chạy trường chạy lớp đầu cấp”. Đà Nẵng cũng là thành phố phải đối mặt với vấn đề này từ lâu, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phóng viên báo Giáo dục&Thời đại đã có cuộc tiếp xúc sớm với lãnh đạo ngành Giáo dục&Đào tạo địa phương trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng |
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, năm học 2013 – 2014, khối lớp 1 thành phố có 14.925 học sinh, so với năm ngoái giảm 800 học sinh; khối lớp 6 có 12.475 học sinh, tăng 500 học sinh; khối lớp 10 có 9.759 học sinh, giảm 1.390 học sinh.
Như vậy với các lớp tuyển sinh đầu cấp, Đà Nẵng không có sức ép về số lượng học sinh. Số lượng trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn đủ giải quyết nhu cầu cho số học sinh mới; các trường đều có đủ phòng học, giáo viên, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học.
Vậy vấn đề “chạy trường chạy lớp” hằng năm là xuất phát từ đâu, thưa ông ?
Sức ép đầu vào hằng năm, có chăng là do phụ huynh có khuynh hướng xin cho con em về học ở các trường khu vực trung tâm (như các Trường TH Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, THCS Trưng Vương ở quận Hải Châu, TH Trần Cao Vân ở quận Thanh Khê...). Nhất là khối lớp 1, có hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở khu vực trung tâm muốn cho con em vào học để tiện việc đưa đón; một số khác, dù không làm ở khu vực trung tâm, vẫn muốn cho con em vào trường vì nghĩ rằng chất lượng tốt hơn.
Vì thế, có hiện tượng học sinh xin vào các trường này tăng, tạo nên sức ép về sĩ số. Với sức ép này, tỉ lệ học sinh ngoại tuyến ở các trường ảnh hưởng số phòng, số lớp, ảnh hưởng đến việc tổ chức học 2 buổi/ngày và bán trú với học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo và 2 quận Hải Châu, Thanh Khê trong những năm qua luôn có hướng hạn chế, nhưng do nhu cầu, số học sinh ngoại tuyến này vẫn nhiều.
Năm học mới này, theo ông, thành phố đã có chủ trương gì mới nhằm chấn chỉnh tình hình ?
Để chuẩn bị cho năm học mới, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 332 (ngày 25/12/2012) chỉ đạo, với các trường THCS Trưng Vương, Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Phù Đổng của quận Hải Châu và TH Trần Cao Vân của quận Thanh Khê, khi có những trường hợp ngoại tuyến đặc biệt, UBND thành phố sẽ phê duyệt. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ngoại tuyến xin vào các trường trung tâm, ổn định học sinh trên từng địa bàn cơ sở.
Tất nhiên, trong quá trình tuyển sinh, cũng có những trường hợp dịch chuyển chính đáng, người dân, công chức chuyển hộ khẩu, nơi công tác, không phải hoàn toàn ai ở đâu thì buộc học ở đó. Nhưng tất cả đều sẽ phải tuân theo hồ sơ quy định và sự phê duyệt cấp có thẩm quyền.
Với công văn này, thành phố rõ ràng sẽ hạn chế được việc xin học trái tuyến quá số cho phép; ổn định nguồn học sinh từng địa bàn, tránh những dư luận không hay. Riêng với học sinh khối lớp 6, nếu phụ huynh muốn con em vào Trường THCS Nguyễn Khuyến thì đăng kí dự kỳ kiểm tra theo chỉ tiêu được thành phố phê duyệt. Với học sinh lớp 10, Sở tổ chức thi và xét tuyển trên toàn địa bàn, học sinh có nguyện vọng, tùy khả năng, đều được đăng kí dự tuyển vào các trường mong muốn.
Vậy theo ông, năm nay Đà Nẵng sẽ tái lập lại nghiêm túc kỷ cương trường lớp về vấn đề đầu vào từng cấp học ?
Tôi tin như vậy. Vì với những chủ trương, chỉ đạo đã có, thành phố và ngành thể hiện quyết tâm bảo đảm việc tuyển sinh đúng tuyến, đúng quy định. Đối với khối lượng học sinh phổ thông hiện có trên địa bàn, thành phố đã cơ bản lo đủ hệ thống trường lớp, giáo viên… Do đó, theo tôi, phụ huynh nên cho học sinh học đúng địa bàn cư trú, đúng tuyến quy định, tránh dồn ép về các trường lớp trung tâm.
Hơn nữa, đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng, độ chênh lệch giữa các vùng không cao, sự đi lại rất thuận lợi. Có những trường ở xa trung tâm, tại Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn nhưng lại có chất lượng dạy học rất tốt, thậm chí có trường còn có môi trường học tập, phát triển thể chất học sinh tốt hơn hẳn ở khu vực trung tâm, vốn chật chội về diện tích, thiếu điều kiện dạy học được 2 buổi/ngày.
Với năm học mới 2013 – 2014, chính quyền thành phố, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, bằng nhiều biện pháp, hạn chế tình trạng trái tuyến, gây sức ép không cần thiết, làm nảy sinh những tin đồn thổi thiếu chính xác.
Những năm qua, Phòng Giáo dục quận Thanh Khê luôn tập trung vào tuyển chọn học sinh trong tuyến ở địa bàn. Phòng định hướng phấn đấu đến năm học 2015 – 2016, toàn quận sẽ có hệ thống trường tiểu học đạt tiêu chuẩn tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày, có đủ cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập của các học sinh. Năm học này, Phòng đã nhận chỉ đạo từ UBND thành phố, các trường hợp xin học ngoại tuyến ở trường tiểu học Trần Cao Vân sẽ do Thành phố xét tuyển. Còn lại các trường khác, Phòng đã tích cực chỉ đạo vận động, tuyển sinh lớp 1 đúng tuyến, cho hết tháng 6/2013. Sau khi tuyển học sinh trong tuyến, xét thấy các trường nào còn cơ sở vật chất phục vụ thêm được một số học sinh địa bàn lân cận, do phụ huynh có nhu cầu về hoàn cảnh, như cán bộ công chức làm việc không thuận lợi theo tuyến, Phòng sẽ tập hợp hồ sơ lại, đề xuất UBND quận Thanh Khê xem xét, cho phép tuyển thêm. Như vậy, tin tưởng năm nay, áp lực học sinh ngoại tuyến sẽ giảm, các Hiệu trưởng sẽ chủ động hơn trong tuyển sinh đầu cấp, qua đó giải tỏa mọi dư luận không đúng về tiếp nhận học sinh lâu nay. Thực tế với ngành, rất khó giải quyết dứt điểm những đồn thổi, nhưng cá nhân tôi tin với các biện pháp đã trình bày, chắc chắn quận sẽ hạn chế được dư luận không đúng về tuyển sinh. Ông Vĩ Sách - trưởng phòng Giáo dục quận Thanh Khê. |
Uyên Nghi (thực hiện)