Đà Nẵng: Hồ Bàu Trảng ô nhiễm vì công trình trăm tỷ “đắp chiếu”

Đà Nẵng: Hồ Bàu Trảng ô nhiễm vì công trình trăm tỷ “đắp chiếu”

Sân bay Đà Nẵng gây quá tải… nước thải

Công trình thu gom nước thải và nạo vét hồ Bàu Trảng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là một phần của Dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải bao quanh kênh Phần Lăng và tuyến ống bao thu lẫn trạm bơm nước thải dọc tuyến Nguyễn Tất Thành (dự án phát triển bền vững của TP Đà Nẵng) có mức đầu tư vào khoảng hơn 130 tỷ đồng.

Công trình hoàn thành vào tháng 5/2019, với kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm tại khu vực nêu trên. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Để khắc phục ô nhiễm, lòng hồ Bàu Trảng đã được nạo vét phần bùn đáy, nhưng tình trạng không thay đổi. Điều này khiến người dân sống quanh khu vực nhiều lần kiến nghị.

Kiểm tra thực tế, xử lý kiến nghị liên quan đến việc ô nhiễm tại khu vực hồ Bàu Trảng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có buổi làm việc với đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Sở TN&MT TP, UBND quận Thanh Khê, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải.

Tại đây, đại diện các sở, ban, ngành đã có những báo cáo, đề xuất đối với việc xử lý ô nhiễm tại hồ Bàu Trảng.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, việc chưa thể vận hành hệ thống xử lý nước thải do mực nước cống nằm trên ngưỡng tràn nên không thể vận hành được. Hệ thống xử lý nước ở tuyến dưới đang quá tải nên nước thải và nước mưa bị hòa vào nhau, không thể vận hành đúng mô hình dẫn đến ô nhiễm.

Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cũng cho biết thêm, hệ thống thu gom trên chỉ đúng theo thiết kế khi thu gom nước thải từ nhà dân. Nhưng trong thực tế, hệ thống còn nhận lượng lớn nước thải ở khu vực sân bay Đà Nẵng dẫn đến quá tải.

Đại diện Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cũng thông tin, từ khi bàn giao thì công trình thu gom và xử lý nước thải đã rơi vào tình trạng quá tải, chưa vận hành được ngày nào.

“Vừa xử lý mùi, vừa xử lý nước và phải xử lý cho được”

Về việc khắc phục tình trạng ô nhiễm, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng đã cho nạo vét bùn. Tuy nhiên, do lượng nước thải ô nhiễm ở hồ chưa thể xử lý nên tình trạng ô nhiễm vẫn còn. Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở về việc không đề xuất xử lý lượng nước tại đây ngay từ đầu, khiến dự án “dở dang” – ông Đặng Việt Dũng đánh giá.

Trước đề xuất phương án mở một cửa xả để hạ mực nước xuống, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu rõ, không thể xả nước thải chưa xử lý từ hệ thống ra môi trường vì sẽ gây ô nhiễm trầm trọng. Đại diện Sở TN&MT TP cũng cho biết, Sở cũng đã có văn bản không đồng ý đề nghị về phương án mở cửa xả.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương kiểm tra toàn bộ lại nước thải tại hồ Bàu Trảng, đề xuất phương án giải quyết. Giao Sở Xây dựng phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tính toán lại toàn bộ hệ thống, có hướng xử lý nước thải triệt để. Đồng thời, các ban dự án, ban dân dụng báo cáo tiến độ triển khai và xác định rõ khi nào đưa vào vận hành.

Trước việc kiểm tra thực tế cũng như những phản ánh của người dân về mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đề nghị Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố tập trung nhanh chóng xử lý mùi hôi tại khu vực cho người dân, phối hợp để xử lý nguồn nước ô nhiễm.

“Vừa xử lý mùi, vừa xử lý nước và phải xử lý cho được. Về cách xử lý thì tuần sau sẽ quyết định nên xử lý như thế nào cho từng phương án một” – ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, UBND phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cũng đã tổ chức buổi đối thoại vào ngày 10/2 giữa Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (đơn vị vận hành công trình thu gom nước thải và nạo vét hồ Bàu Trảng) với đại diện gần 300 hộ dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ công trình này, trong đó các ý kiến của người dân đều thể hiện sự bức xúc.
Đại diện phía Ban quản lý dự án cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ghi nhận những ý kiến của người dân để báo cáo, tìm hướng giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ