Đã đến lúc phải đổi mới!

Đã đến lúc phải đổi mới!
Chọn phương án tuyển sinh tốt sẽ góp phần nâng cao uy tín đào tạo của nhà trường
Chọn phương án tuyển sinh tốt sẽ góp phần nâng cao uy tín đào tạo của nhà trường
 

(GD&TĐ) - Hào hứng, thận trọng, cân nhắc và chờ đợi… là những tâm trạng đa chiều của cả các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học lẫn người dân trước Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh Bộ GD&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Ý kiến chung là: Đã đến lúc phải đổi mới!

Điều mà Dự thảo nêu ra cũng là mong đợi của xã hội, đó là cho dù với phương án tuyển sinh riêng thực hiện ở từng trường thế nào, cần nhất là sự công bằng, minh bạch, nề nếp, quy cũ, có chiến lược bài bản rõ ràng.

Kể từ năm 2002, Bộ GD&ĐT (GD&ĐT) thực hiện tuyển sinh theo phương thức 3 chung, đến nay dù được đa số các trường đại học chấp nhận cách tổ chức này nhưng do yêu cầu tự thân giáo dục đại học, của xã hội được thể hiện qua Luật giáo dục đại học và Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục là một bước đi ban đầu quan trọng và cần thiết.

Trước khi Bộ GD&ĐT ban hành bản Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (gọi tắt là Dự thảo), đã có 17 trường gửi đề án về Bộ, đề xuất được tuyển sinh riêng trong năm 2014. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để các trường có căn cứ thực hiện thực hiện công tác tuyển sinh và Bộ GD&ĐT kiểm tra, giám sát.

Những phản ứng ban đầu của một số trường công lập và ngoài công lập (thể hiện trên báo chí), cho thấy có sự e dè, băn khoăn khi cơ sở đào tạo phải thực hiện nhiệm vụ mà trong nhiều năm, Bộ GD&ĐT đã “bao cấp” cho các trường. 

Đặc biệt, đối với những trường chưa tự tổ chức thi tại trường mình trong thời gian qua theo phương án 3 chung nay phải thực hiện hàng loạt các hoạt động, tự chịu trách nhiệm trước xã hội và Bộ chủ quản như vậy nên có thể thấy trước là rất ít trường thực hiện tự chủ tuyển sinh trong kỳ thi năm 2014 này. Cũng theo báo chí, ý kiến của lãnh đạo một số trường, cho thấy xu hướng thực hiện 3 chung trong giai đoạn giao thời này vẫn là an toàn, tối ưu.

Lý do chính khiến nhiều trường ngại là việc ra đề thi.  Thực ra đối với các trường không có đội ngũ giảng viên dạy các môn khoa học cơ bản thì việc chấm thi cũng khá vất vả khi mời giáo viên phổ thông hoặc giảng viên các trường đại học khác nhưng công việc này thường diễn ra ở chốn “kín cổng cao tường”, dư luận không theo dõi được, trong khi đề thi thì công khai cho toàn xã hội; thời mà Internet phổ biến như hiện nay, ai cũng có thể bình luận, nhận xét đánh giá đề thi nên cơ sở đào tạo, người ra đề rất sợ gặp phải sơ xuất.

Những quy định trong Dự thảo của Bộ GD&ĐT là hợp lý nhưng tương đối khó thực hiện ngay. Từ đây đến tháng 2/2014, trường nào muốn tuyển sinh riêng phải xây dựng đề án, chỉ riêng hoàn thành mục 3 ở Dự thảo, các trường phải có chuyên gia, giảng viên với nhiều kinh nghiệm về khảo thí, đã tổ chức tuyển sinh nhiều lần mới có thể hoàn thành đề án trong thời gian vài ba tháng như vậy. Các vấn đề như xác định phương án tự chủ tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển, môn thi, cách thi,... như thế nào) phản ánh tư duy chiến lược của mỗi trường trong việc thu hút người học, tổ chức quá  trình đào tạo, xây dựng học hiệu của trường,... 

Nếu trường nào dễ dãi thu nhận thí sinh kém nhằm đủ chỉ tiêu thì sẽ không thu hút học sinh khá giỏi; sinh viên tốt nghiệp không đạt mặt bằng chung của ngành nghề, xã hội không chấp nhận thì trường ấy khó tồn tại. Hoạt động tuyển sinh, tuy chỉ là một công đoạn đầu vào nhưng nó ảnh hưởng đến cả chất lượng đào tạo, đầu ra, uy tín cho nhà trường cả một giai đoạn dài. Không chọn được phương án tốt thì dẫn đến chất lượng đầu vào kém và đầu ra không đáp ứng yêu cầu, phụ huynh, học sinh sẽ xa lánh, tẩy chay các trường đại học đó, dẫn đến sự khó khăn cho nhà trường, sự lãng phí của xã hội.

Do vậy, điều mà Dự thảo nêu ra cũng là mong đợi của xã hội, đó là cho dù với phương án tuyển sinh riêng thực hiện ở từng trường thế nào, cần nhất là sự công bằng, minh bạch, nề nếp, quy cũ, có chiến lược bài bản rõ ràng. 

Cũng nói thêm rằng, tư duy về tuyển sinh đại học nên độc lập với triết lý, mục tiêu giáo dục ở bậc phổ thông; kiến thức học phổ thông không chỉ một mục đích là thi vào đại học. Việc giao các trường tự chủ không chỉ trong tuyển sinh mà cả quá trình đào tạo có sự quản lý nhà nước thích hợp hy vọng giúp học sinh phát triển toàn diện ở bậc phổ thông, bớt căng thẳng trong việc thi cử.

Nhưng nếu không quản lý tốt, sẽ xảy ra tình trạng một số trường đại học với những ngành nghề hấp dẫn khiến cho học sinh, phụ huynh sớm định hướng ngành nghề, chọn học một trường đại học nào đó thì các em chỉ chăm luyện theo các môn học, cách ra đề, thi tuyển của trường ấy, lúc đó vai trò, ý nghĩa của nền giáo dục phổ thông sẽ mờ nhạt, tạo ra những phản cảm mới.

PGS.TS Nguyễn Hoàng (Đại học Huế)

*****

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.