Đã đến lúc có đủ điều kiện để nói đến chất lượng!

Đã đến lúc có đủ điều kiện để nói đến chất lượng!

(GD&TĐ)-“Các trường ngoài công lập (NCL) nói chung, trong đó có các trường ĐH, CĐ là một bộ phận của hệ thống giáo dục, hệ thống các trường ĐH, CĐ. Mỗi thành công, thắng lợi của các trường NCL sẽ góp phần vào thành công, thắng lợi của ngành giáo dục và mỗi sự hạn chế, tiêu cực của nhà trường cũng là yếu kém của ngành, là yếu kém trong sự quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định tại Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Đại hội
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam.Ảnh: gdtd.vn

Ngoài công lập - Tại sao xã hội còn băn khoăn?

Trong quá trình phát triển, các trường NCL, trong đó có các trường ĐH, CĐ có bước phát triển nhanh chóng, từ con số 45 trường năm 2006 hiện lên đến 82 trường. Do số lượng các trường NCL tăng nên mạng lưới các trường ĐH, CĐ chung của Việt Nam có sự thay đổi về chất. Gần đây còn có thêm sự xuất hiện của các trường có yếu tố nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc tăng các loại hình trường đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của mạng lưới ĐH, CĐ Việt Nam đồng thời tạo nên sức ép về sự phức tạp trong công tác quản lý, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới quản lý.

Bên cạnh đó, nhiều trường NCL được thành lập ở những vùng miền có ít trường ĐH, CĐ, nhiều địa phương khó khăn như Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Điều này làm giảm sự mất cân đối về mật độ trường ở các vùng miền; tạo cơ hội học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa ...

Quy mô học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ NCL chiếm gần 15% trong tổng số sinh viên toàn quốc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là con số không nhỏ. Trong số này, có không ít sinh viên đã thành thạc sĩ, tiến sĩ, trở thành giảng viên của các trường ĐH, tham gia vào các ngành nghề của kinh tế xã hội và làm rất tốt.

Không ít trường ĐH, CĐ NCL được xây dựng rất bài bản. Các nhà quản lý, các nhà đầu tư ở những trường này đã rất chú ý xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng, chú ý đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý. Cũng có không ít trường NCL đã rất chú ý đến công tác nghiên cứu khoa học trong đó có nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL còn tồn tại không ít hạn chế. Không ít trường điều kiện đảm bảo chất lượng rất thiếu thốn, không đủ; chưa có trường, chưa có chỗ học, đội ngũ giáo viên thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý ít kinh nghiệm; giáo trình chưa đủ. Cá biệt có trường NCL chưa chú ý đến việc đầu tư sau khi có quyết định thành lập.

Khẳng định điều này có lỗi của cơ quản lý đó là không giám sát, không căn cứ vào thực tế thực hiện cam kết đó để cấp phép, nên tạo ra một sự dễ dãi, không có chuẩn, nhưng Bộ trưởng cho rằng, nói như vậy không có nghĩa là các trường NCL không có lỗi khi không thực hiện các cam kết của mình khi xin thành lập trường.

Về kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đào tạo, điều hành nhà trường, cá biệt, trường này trường kia còn chưa hoàn chỉnh, thậm chí buông lỏng, vi phạm pháp luật. Tình trạng mất đoàn kết, chủ yếu là giữa hội đồng quản trị và hiệu trưởng, trong không ít trường kéo dài.

“Tôi thấy Quy chế cần thay đổi nhưng không thể  làm ngay được. Chúng tôi cũng sẵn sàng thay đổi nếu thấy tốt hơn. Nhưng cũng phải xem lại, cũng vẫn quy chế đó, “bầu trời” đó vì sao ĐH Thăng Long và rất nhiều ĐH khác hoạt động bình thường, tốt, không có vấn đề gì. Do vậy, không hẳn mọi chuyện do quy chế. Tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, tác động đến toàn ngành giáo dục. Kể cả các trường công lập cũng có những dấu hiệu, những biểu hiện này.  Những hiện tượng tiêu cực trên đây không phải phổ biến, mà chỉ là cá biệt. Nhưng rất tiếc là những khuyết điểm này đã làm ảnh hưởng tới sự tin tưởng của xã hội, không chỉ các trường ngoài công lập mà với ngành, của chung hệ thống” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Thầy trò Trường ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn
Thầy trò Trường ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn

Đã đến lúc có đủ điều kiện để nói đến chất lượng

Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ GD&ĐT đang cùng Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị đề án để thảo luận tại Hội nghị Trung ương VI.

Quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương III khẳng định tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên sự nâng cao chất lượng, giáo dục cũng phải triển khai vì giáo dục là nhằm cung cấp nhân lực cho các địa phương để thực hiện CNH, HĐH, thực hiện tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Đổi mới mô hình giáo dục cần phải đi tiếp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo. 

Khẳng định những kết quả đã đạt được của giáo dục đào tạo trong 20 năm đổi mới là hết sức to lớn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của giáo dục đào tạo. Đó cũng là yêu cầu của cuộc sống. Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số hoạt động để đổi mới mô hình quản lý, chỉ đạo ngành phát triển theo hướng chất lượng.

Nghị định 115 về phân cấp, Bộ GD&ĐT giao nhiều quyền cho các trường ĐH. Bộ cũng đang có ý định giao chương trình khung cho các trường. Bộ không làm nhiệm vụ chuyên môn mà tập trung quản lý nhà nước. “Kể cả việc mở ngành, mở trường, chúng tôi đang có ý định giao các trường tự làm, nếu tốt thì khen thưởng, không tốt sẽ chịu phạt. Bộ GD&ĐT cũng sẽ minh bạch các chính sách, đường lối, đồng thời yêu cầu nhà trường cũng phải công khai minh bạch. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng giao cho các trường dựa trên quy định chung về đảm bảo chất lượng” – Bộ trưởng cho hay.

Nhận định những thay đổi trên có thể chưa đồng bộ, những bước đầu tiên có thể chưa nhuần nhuyễn, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL; trong quá trình thực hiện nếu có gì bộc lộ chưa đúng, chưa đủ có thể phản ánh để cùng xem xét thảo luận và tìm cách thảo gỡ; đồng thời cũng có giám sát lại Bộ GD&ĐT khi xuống cơ sở thực thi nhiệm vụ.

“Một mặt giao nhiều quyền cho các hiệu trưởng nhưng chúng tôi cũng sẽ tăng cường rất mạnh vịêc thanh tra kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc. Chúng tôi quán triệt tinh thần Nghị quyết TW IV, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều tránh việc nói không làm, nói nhiều làm ít” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
 

Hiếu Nguyễn (ghi)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ