Đã có quyết định thành lập BCĐ xây dựng các trường ĐH xuất sắc

Đã có quyết định thành lập BCĐ xây dựng các trường ĐH xuất sắc

(GD&TĐ)-Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo xây dựng các trường đại học xuất sắc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận làm phó Trưởng ban.

gdg
 Tổ chức ADB đã quyết định thông qua khoản vay 190 triệu USD để xây dựng Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) theo mô hình đại học xuất sắc.

Theo đó, Ban Chỉ đạo có 17 ủy viên là lãnh đạo một số Bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ cùng các ban ngành, địa phương và các trường ĐH

Quyết định đã quy định rõ Phó Thủ tướng, Trưởng ban có trách nhiệm chỉ đạo công tác phối hợp, tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai việc xây dựng các trường ĐH xuất sắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực của BCĐ. BCĐ có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng các trường ĐH xuất sắc trong mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH; đề xuất phương hướng, giải pháp và chỉ đạo việc tổ chức triển khai các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng các trường ĐH xuất sắc, phù hợp với chủ trương, định hướng đã được phê duyệt.

Theo quy trình, hiện nay, nước ta đã có 2 trường ĐH  đã được triển khai và đi vào hoạt động theo mô hình ĐH xuất sắc là Đại học Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Các nước phát triển là Đức, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đã được chọn và dự kiến là đối tác chiến lược để phối hợp xây dựng các ĐH đạt trình độ quốc tế.

Đại học Việt Đức là trường đại học quốc tế công lập đầu tiên tại Việt Nam, cũng là dự án đầu tiên trong nhóm dự án xây dựng 4 trường đại học xuất sắc có đẳng cấp quốc tế. Hiện có 40 trường đại học của CHLB Đức tham gia vào dự án.

Trường được định hướng xây dựng, phát triển nhanh, phấn đấu sau khoảng từ 20 đến 25 năm Trường được xếp hạng vào danh mục 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường ĐH thứ 2, có đối tác trong nước là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đối tác nước ngoài là CH Pháp. Khóa đào tạo đầu tiên của trường đã được mở vào năm 2010. Phía Pháp chịu trách nhiệm gửi giảng viên, nghiên cứu viên sang làm việc, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu.

Ngay từ năm 2009, phía Pháp đã bắt đầu triển khai đào tạo 30 tiến sĩ cho trường với mục tiêu tới năm 2020 đào tạo được 400 tiến sĩ.

Năm 2010, trường đã tiến hành khai giảng khóa học đầu tiên hệ Cử nhân Khoa học Công nghệ và hệ Thạc sĩ tập trung vào 2 ngành học: Công nghệ sinh học - Dược học và Khoa học Vật liệu - Công nghệ Nano.

Năm 2011 tTường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh khóa 2 hệ Cử nhân Khoa học và Công nghệ và Thạc sỹ các ngành học: Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Công nghệ sinh học - Dược học; Nước - Môi trường - Đại dương học; Năng lượng; Khoa học Vật liệu - Công nghệ Nano; Hàng không - Không gian vũ trụ.

Theo dự án, sẽ có thêm 2 trường đại học tiếp tục được xây dựng thành trường đại học xuất sắc có đẳng cấp quốc tế.

Bình Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ