Đã có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh vượt sông đến trường

Đã có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh vượt sông đến trường

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai giải quyết phản ánh của một số độc giả qua Cổng TTĐT Chính phủ về tình trạng học sinh bản Ông Tú, bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và học sinh tại xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa phải vượt sông đến trường.

Cấp đò và bố trí người điều khiển đò để đưa học sinh đi học
Cấp đò và bố trí người điều khiển đò để đưa học sinh đi học

Theo phản ánh, bản Ông Tú có 20 hộ dân sinh sống và có 14 em học sinh của Trường Tiểu học bản Hưng đi học phải qua sông để đến trường. Do địa hình cách trở, chưa có cầu qua suối, UBND huyện Minh Hóa đã trang bị đò cho người dân đi qua sông, nhưng bị lũ cuốn trôi khiến các em học sinh phải lội hoặc bơi qua sông để đến trường.

Cũng tương tự, người dân và các em học sinh tại xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cứ vào mùa khô phải qua sông (Bãi Gỗ) bằng cầu phao luồng, mùa mưa sử dụng sợi cáp buộc 2 đầu dây vào gốc cây để kéo mảng qua lại.

Sau khi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chuyển những phản ánh trên của người dân đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra thực trạng, phối hợp với địa phương đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Bố trí đò đưa đón các em học sinh tại bản Ông Tú và bản Ka Oóc

Ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, do dòng sông hẹp (khoảng 20m), cạn và địa hình nhiều đá, không thể sử dụng đò máy được, nên Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu UBND huyện Minh Hóa cấp 2 Lườn (đò nhỏ) để đưa đón, học sinh đi học, đồng thời yêu cầu Trường tiểu học bản Hưng tổ chức đưa, đón các em học sinh tại vị trí bờ sông. Đồng thời, đã cấp phát cho Trường Tiểu học bản Hưng 50 áo phao.

Đồng thời, UBND xã thống nhất với nhà trường và cụm dân cư có học sinh đi học phải qua sông để bố trí người điều khiển đò.

Về việc xây dựng cầu, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, từ quốc lộ 12A qua bản Hưng đến bản Ông Tú khoảng 4 km, trên tuyến này cần xây dựng 1 cầu vượt suối với chiều dài khoảng 100m, nhưng địa phương mới chỉ đầu tư xây dựng được 1 km đường từ Quốc lộ 12A đến bến đò. Kinh phí dự kiến đầu tư xây cầu và đoạn đường còn lại là khoảng 50 tỷ đồng, đây là số tiền lớn hiện tỉnh chưa đầu tư làm ngay được.

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị địa phương nghiên cứu phương án tổng thể đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy, từ đó báo cáo các cấp, các ngành Trung ương có phương án phối hợp với tỉnh để xử lý.

Trước mắt, xây dựng bến đò có cáp hỗ trợ vượt sông Âm

Theo báo cáo của Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2010 và 2011, Ban An toàn giao thông tỉnh và Trung tâm phát triển vùng đã trang bị cho xã Giao An 45 áo phao cứu sinh, 2 thuyền phao.

Hàng năm, UBND huyện Lang Chánh và UBND xã Giao An hỗ trợ thôn Trô để làm cầu phao, mảng phục vụ nhân dân qua lại trên sông Âm. Đến nay, về công tác an toàn giao thông vẫn đảm bảo.

Để khắc phục hoàn toàn tình trạng trên, năm 2010, Sở Giao thông vận tải đã có tờ trình UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống, trong đó có đề xuất xây dựng Cầu treo Bãi Gỗ, dài trên 100m tại xã Giao An, vượt sông Âm, huyện Lang Chánh.

UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Dự án trên với tổng mức đầu tư là 189,522 tỷ đồng, trong đó Cầu Bãi Gỗ có tổng mức đầu tư là 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên trong năm 2011, địa phương mới có kinh phí để xây dựng đường tràn liên hợp trước, chưa bố trí được kinh phí xây dựng cầu treo (trong đó có cầu Bãi Gỗ).

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đi học khi chưa xây dựng được cầu, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu xây dựng bến đò có cáp hỗ trợ để sớm thay thế bè mảng.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ