(GD&TĐ) - Đó là kết luận của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Hội nghị giao ban cơ quan Bộ tháng 4-2011, trong đó có nội dung tổng kết đợt kiểm tra thực hiện phong trào thi đua THTT-HSTC tại các địa phương, diễn ra trong tháng 3-2011.
TS Trần Đình Châu-Vụ trưởng, Giám đốc Dự án PTGDTHCS2, thay mặt Tổ thư ký Ban chỉ đạo THTT-HSTC đã báo cáo tóm tắt kết quả đợt kiểm tra tại 50 đơn vị trường học thuộc 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ là những biến chuyển tích cực ở các nhà trường thông qua việc triển khai thực hiện 5 nội dung của phong trào, mà điều quan trọng hơn, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm quý, nhiều mô hình tốt đã được khái quát lên từ phong trào này, tạo cơ sở để chuẩn bị sơ kết 3 năm sẽ có những bài học có giá trị thực tiễn, đưa các nội dung của phong trào đi vào ổn định, bền vững.
Hội nghị giao ban cơ quan Bộ tháng 4-2011 |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Thông qua đợt kiểm tra này, kinh nghiệm cho thấy việc trực tiếp xuống cơ sở là cần thiết để động viên khích lệ thành quả đạt được, chia sẻ khó khăn vướng mắc, nhưng quan trọng hơn là phải xem xét sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý các cấp, các ngành, bởi công tác quản lý chỉ đạo có vai trò hết sức quan trọng. Riêng với phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC thì sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện cả 5 nội dung là hết sức cần thiết.
Trong thời gian tới, các hoạt động trọng tâm cần được tập trung là:
-Đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT một cách hợp lý là cơ sở để nâng cao chất lượng GD, xây dựng môi trường thân thiện.
-Xây dựng hệ thống câu lạc bộ để tạo điều kiện cho học sinh chủ động, tích cực tham gia.
-Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và nâng cao năng lực giảng dạy cho cán bộ về vấn đề này.
-Nâng cao chất lượng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường theo hướng đi vào các vấn đề thiết thực, xuất phát từ thực tế chứ không chỉ là lấy từ ddieuf lệ, nội quy nhà trường. Khuyến khích sự tham gia xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa bởi đây chính là quá trình tự giáo dục.
Nguyễn Thị Trâm